Di chúc miệng, phải làm sao để có giá trị pháp lý?
Theo chuyên gia, để di chúc miệng có giá trị pháp lý cần phải đáp ứng nhiều điều kiện theo quy định pháp luật.
Thời gian vừa qua, vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh được dư luận đặc biệt quan tâm, đặc biệt là tình tiết di chúc miệng không có giá trị.
Đây cũng phải là lần đầu một di chúc miệng bị xác định vô hiệu. Điều này đặt ra vấn đề pháp lý về việc làm sao để di chúc miệng được pháp luật công nhận.
Nhiều tranh chấp di sản thừa kế từ di chúc miệng
Vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh hiện TAND TP.HCM đã tiếp nhận đơn kháng cáo của em gái và con gái của cố nghệ sĩ.
Hồ sơ của vụ án sẽ được TAND TP.HCM chuyển đến TAND cấp cao tại TP.HCM để thụ lý và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Trong quá trình xét xử, tòa sơ thẩm đã xem xét về di chúc miệng của cố nghệ sĩ theo lời trình bày của bà Lê Thị Hồng Phượng (con gái bà Nhung, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).
HĐXX nhận định, bà Hồng Phượng cung cấp chứng cứ là một tập tin ghi nhận có nội dung lời nói của cố NSƯT Vũ Linh vào ngày 13-1-2001 và được lập vi bằng ngày 4-5-2023; những người làm chứng tại phiên tòa xác nhận đó là ý chí của cố nghệ sĩ.

Theo chuyên gia, để di chúc miệng hợp pháp phải đáp ứng nhiều điều kiện. Ảnh minh họa
HĐXX xét thấy, Điều 629 BLDS quy định trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 3 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Như vậy, nếu xác định đây là di chúc miệng, ngày thực hiện đoạn video ngày 13-1-2011 nên di chúc cũng mặc nhiên bị hủy bỏ khi cố NSƯT Vũ Linh chết vào ngày 5-3-2023 (hơn 20 năm).
Cạnh đó, theo Điều 457 BLDS việc tặng cho bất động sản phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và phải đăng ký quyền sở hữu. Nếu ý chí của cố nghệ sĩ muốn cho bà Hồng Phượng nhà và đất trên thì phải thực hiện theo quy định.
Từ những phân tích trên, tòa sơ thẩm tuyên không có căn cứ xác định căn nhà, đất số 5 Đoàn Thị Điểm được bà Phượng hưởng bằng hình thức di chúc hay tặng cho.
Trước đó, TAND tỉnh Bình Định đã từng xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp di sản thừa kế có liên quan đến di chúc miệng.
Nội dung vụ án thể hiện, ông H và bà C là vợ chồng, có 8 người con chung; ông H có 1 người con riêng và bà C có 2 người con riêng. Ông bà nội và ông bà ngoại đều chết trước cha mẹ. Cả hai ông bà đã chết và không để lại di chúc. Di sản ông bà để lại là một thửa đất.
Anh Trần Hữu T (nguyên đơn) yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ theo pháp luật và theo hiện vật. Anh Trần Hữu L (bị đơn) không đồng ý chia di sản thừa kế của cha mẹ và cho rằng cha mẹ trước khi chết có di chúc miệng giao nhà đất cho anh để làm nhà từ đường thờ cúng ông bà, không phân chia cho ai.
Xét xử sơ thẩm, HĐXX xác định di sản của ông H và bà C là di sản thừa kế chưa chia được phân chia thừa kế theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất.
Anh L sau đó đã có kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do, khi cha mẹ anh còn sống, vào ngày giỗ, cha mẹ có nói với mọi người sau khi chết sẽ giao toàn bộ tài sản cho ông L là con trai trưởng để thờ cúng ông bà tổ tiên. Ông L đề nghị tòa phúc thẩm xem xét việc cha mẹ đã lập di chúc miệng.
Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của anh L. Theo tòa, khoản 2 Điều 629 BLDS quy định, sau 3 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, còn minh mẫn thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Đồng thời, điều kiện để di chúc miệng có tính hợp pháp được quy định tại khoản 5 Điều 630 BLDS; 7 người con còn lại khẳng định trước khi chết cha mẹ không hề di chúc miệng.
Từ đó, có căn cứ xác định H và bà C trước khi chết không lập di chúc nên di sản được chia thừa kế theo pháp luật.
Điều kiện để di chúc miệng có hiệu lực
Theo luật sư (LS) Nguyễn Chí Thiện (Đoàn LS TP.HCM) để di chúc miệng hợp pháp cần phải phù hợp nhiều điều kiện.
Căn cứ Điều 629 BLDS, trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Lưu ý, sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Tính hợp pháp của di chúc miệng phải đáp ứng theo Khoản 5 Điều 630 BLDS, gồm: Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Đồng thời, di chúc miệng vẫn phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.
Người làm chứng cho việc lập di chúc không được là những đối tượng quy định tại Điều 632 BLDS: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Bản án về di chúc miệng được tòa chấp nhận
Theo nội dung vụ án mà TAND TP Hà Nội từng xét xử phúc thẩm, ông H không có vợ con; bố mẹ đẻ và 3 anh chị đã chết. Ông H và anh T nhận nhau là bố con.
Sau khi ông H mất, 5 người cháu thuộc hàng thừa kế thứ 3 của ông H đã khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Anh T đã có đơn phản tố cho biết ông H trước khi mất có để lại di chúc miệng giao tài sản lại cho anh.
Tòa phúc thẩm nhận định, tại thời điểm lập di chúc (ngày 3-2-2016) ông H rất yếu nhưng đầu óc vẫn minh mẫn và vẫn nói chuyện với mọi người. Hai người làm chứng không có quan hệ họ hàng; không phải là người thừa kế và không có quyền, nghĩa vụ liên quan ông H.
Ngày 3-2-2016 ông H có di chúc miệng. Ngày 4-2-2016 ông H chết. Ngày 5-2-2016, hai người làm chứng đã ghi lại di chúc miệng của ông H và ký tên, điểm chỉ trong giấy xác nhận di chúc miệng và được công chứng.
Tòa phúc thẩm xác định di chúc miệng của ông H là hợp pháp nên đã bác kháng cáo của đồng nguyên đơn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/di-chuc-mieng-phai-lam-sao-de-co-gia-tri-phap-ly-post832663.html