ĐH Nguyễn Tất Thành: 80% SV ngành Dược chọn học Quản lý và cung ứng thuốc

Quản lý và cung ứng thuốc có thể chỉ là một phần của chiến lược phát triển doanh nghiệp nhưng việc hiểu rõ và áp dụng kiến thức chuyên ngành này rất quan trọng.

Theo Quyết định số 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước [1].

Quản lý và cung ứng thuốc là một trong 5 chuyên ngành của ngành Dược. Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chuyên ngành này luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người học.

80% sinh viên ngành Dược chọn học chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc

Chia sẻ về tầm quan trọng của chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Xuân Liễu - Trưởng Bộ môn Quản lý Dược (Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, có khoảng 80% sinh viên ngành Dược lựa chọn chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc để theo học.

Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Xuân Liễu - Trưởng Bộ môn Quản lý Dược (Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành). Ảnh: NVCC

"Nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm việc liên quan đến cung ứng thuốc trong thị trường dược phẩm hiện nay rất lớn. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ tham gia vào hoạt động cung ứng thuốc để phục vụ cộng đồng", Dược sĩ Liễu cho biết.

Về công tác tuyển sinh, Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Như Quỳnh - Giảng viên Bộ môn Quản lý dược (Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ, năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020, đối tượng tuyển sinh của chương trình đào tạo ngành Dược là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, có sức khỏe phù hợp. Từ năm 2020 trở đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành Dược đối với thí sinh phải có mức điểm tối thiểu của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi là 21 điểm. Do đó, chuyên ngành cũng gặp một số khó khăn trong quá trình tuyển sinh. Ngoài ra, một phần do nhiều trường có ngành Dược nên tạo ra tính cạnh tranh trong tuyển sinh ngành này.

Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Như Quỳnh - Giảng viên Bộ môn Quản lý dược (Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành). Ảnh: NVCC

Theo cô Quỳnh, điểm khác biệt nổi bật trong chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc được thể hiện trong triết lý đào tạo của Khoa: Học để hiểu biết, học để trưởng thành, học để tương tác, học để làm việc. Cụ thể, sinh viên được chú trọng về kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết các tình huống nhằm đảm bảo các em sau khi tốt nghiệp trở thành một người Dược sĩ giàu y đức, giỏi chuyên môn và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng với mức lương cao. Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học của chuyên ngành rất hiện đại giúp sinh viên được học trong môi trường học tập tốt.

"Chương trình đào tạo của chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc được cập nhật liên tục để đảm bảo sinh viên có những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai. Chương trình đào tạo được điều chỉnh 2 năm/lần, phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của nhà tuyển dụng, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc cập nhật liên tục những vấn đề mới giúp cung cấp kịp thời thông tin cần thiết về chương trình đào tạo ngành Dược nói chung, chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc nói riêng”, cô Quỳnh chia sẻ.

Về vị trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, theo cô Quỳnh, các em có thể làm việc ở Khoa Dược tại bệnh viện; công ty dược; hệ thống bán lẻ thuốc; hoặc tham gia giảng dạy,... Mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp ngành này còn phụ thuộc vào vị trí việc làm và năng lực của sinh viên. Do đó, để giúp sinh viên có cơ hội việc làm và mức thu nhập tốt sau khi ra trường, giảng viên của Khoa luôn cố gắng để sinh viên được nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm.

Chỉ ra một số thuận lợi đối với sinh viên khi học chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, cô Quỳnh cho rằng, do chuyên ngành này thu hút được nhiều sinh viên theo học nên lãnh đạo Khoa luôn tạo mọi điều kiện trong tổ chức dạy và học (như trang bị phòng học mới, đầy đủ máy lạnh, âm thanh; giảng viên giỏi và có nhiều năm kinh nghiệm). Khoa Dược của nhà trường liên kết với nhiều doanh nghiệp, bệnh viện để sinh viên chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc được đến thực tập, từ đó giúp tăng tính thực tiễn cho sinh viên.

Bên cạnh đó, Khoa cũng tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn để nâng cao năng lực khởi nghiệp cho sinh viên; khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, Khoa thường xuyên tổ chức chương trình kết nối với doanh nghiệp để sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, công tác nghiên cứu khoa học của chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Huỳnh Thị Như Thúy – Giảng viên Bộ môn Quản lý Dược (Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, trong nghiên cứu khoa học, các đề tài của giảng viên và sinh viên được công bố nhiều trên tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Mặc dù các đề tài nghiên cứu đa dạng và có chất lượng tốt nhưng vẫn cần phải tiếp tục cải thiện số lượng đề tài trong những năm tới.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Như Thúy – Giảng viên Bộ môn Quản lý Dược (Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành). Ảnh: NVCC

“Để khắc phục những khó khăn trong nghiên cứu khoa học của chuyên ngành, nhà trường luôn quan tâm và điều chỉnh kịp thời các hình thức hỗ trợ thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, cũng như các chính sách khen thưởng cho cán bộ giảng viên, nhân viên. Từ đó nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, giảng viên tích cực hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu, tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, cô Thúy chia sẻ.

Cô Thúy cũng bày tỏ, Khoa Dược cần tiếp tục tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, tập huấn để rèn luyện kỹ năng nghiên cứu khoa học và học tập của sinh viên. Đồng thời, Khoa cũng phải duy trì công tác tổ chức hội thảo chuyên ngành và hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học, gắn kết nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp.

Sinh viên cần chuẩn bị kiến thức, kỹ năng gì để "ghi điểm" với nhà tuyển dụng?

Được biết, anh Huỳnh Xuân Hiếu cựu sinh viên (Khóa 13) chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang làm việc tại Công Ty Cổ phần Dược Phẩm RVOPV.

Chia sẻ với phóng viên, anh Hiếu cho biết, Quản lý và cung ứng thuốc là chuyên ngành đào tạo nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm được sản xuất và phân phối một cách an toàn, hợp lý và hiệu quả. Quản lý và cung ứng thuốc có thể chỉ là một phần của chiến lược phát triển ở doanh nghiệp dược nhưng việc hiểu rõ và áp dụng kiến thức từ chuyên ngành học này rất quan trọng.

Anh Huỳnh Xuân Hiếu cựu sinh viên (Khóa 13) chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NVCC)

“Với chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, việc tạo điều kiện cho sinh viên thực tập trực tiếp ở doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với thực tế nghề nghiệp sớm mà còn là bước khởi đầu tốt công việc của các em sau khi ra trường. Việc thực tập thực tế cũng giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên phát triển mục tiêu cá nhân, nắm bắt kỹ năng cần thiết cho ngành nghề”, anh Hiếu chia sẻ.

Từ góc độ của đơn vị tuyển dụng, Thạc sĩ Lưu Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm Lyna cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh trong mảng quản lý cung ứng thuốc thường yêu cầu tuyển dụng nhân sự đối với các Dược sĩ mới ra trường ngoài có kiến thức chuyên môn vững, thì cần phải có kiến thức nền tảng (như quy định trong kinh doanh, phân phối dược phẩm và hiểu sơ lược về thị trường dược phẩm).

Do đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, Thạc sĩ Anh cho rằng, sinh viên chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc cần trang bị cho bản thân những kỹ năng như lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, sáng tạo, giao tiếp tốt. Ngoài ra, các em cũng cần phải rèn luyện để có tinh thần trách nhiệm cao và ham học hỏi. Bởi, đây chính là những lợi thế cho các em khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp dược.

Thạc sĩ Lưu Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Dược phẩm Lyna. (Ảnh: NVCC)

Theo Thạc sĩ Anh, mức lương khởi điểm trung bình của Dược sĩ mới đi làm tại công ty dược (ngoài nhà nước) có thể dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng. Tùy vào năng lực của Dược sĩ, mức lương khởi điểm này có thể sẽ cao hơn.

Chia sẻ cảm nhận về chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, em Nguyễn Trọng Nhân – sinh viên Khóa 19 chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay, đây là chuyên ngành rất đặc biệt với Nhân vì nó có sự kết hợp giữa kiến thức về quản lý trong kinh doanh với kiến thức chuyên ngành về y học và thuốc.

“Ngày mới được học chuyên ngành, em cảm thấy phấn khích đan xen với lo lắng về việc bản thân có đủ thông minh và kiên nhẫn để học tốt kiến thức chuyên ngành. Song, nhờ những hỗ trợ từ các giảng viên và sinh viên, cùng sự linh hoạt trong cách tiếp cận vấn đề, em cảm thấy tự tin và đạt được một số kết quả học tập tốt”, Nhân chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Trọng Nhân. (Ảnh: NVCC)

Sau quá trình học, Nhân cho rằng, kiến thức chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc không dễ nhưng nếu sinh viên ham học hỏi thì mọi thứ đều có thể học và cảm thấy chuyên ngành rất thú vị. Sinh viên chuyên ngành Quản lý và phát triển thuốc được Khoa tạo môi trường học tập tích cực, được tham gia hội thảo chuyên ngành, các dự án nghiên cứu. Nhờ đó, sinh viên có thể áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và mở rộng mạng lưới kết nối trong ngành dược. Đây cũng là điểm khiến cho sinh viên chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc luôn cảm thấy hứng thú và có động lực phấn đấu trong học tập, phát triển sự nghiệp.

Một số đặc điểm nổi bật của chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc, Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành:

Sinh viên có nhiều cơ hội để trải nghiệm và làm việc sau khi tốt nghiệp vì Khoa Dược đã liên kết với 1 bệnh viện tuyến trung ương; 23 bệnh viện tuyến quận, huyện và hơn 84 nhà thuốc tư nhân, hệ thống nhà thuốc bán lẻ; 17 công ty dược phẩm; 5 nhà máy sản xuất; 1 công ty chuyên về đào tạo và tư vấn GMP (tư vấn đầu tư, thiết kế, xây dựng, hồ sơ nhà máy sản xuất Dược, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe); 1 Trung tâm Dược học lâm sàng và Kinh tế y tế.

Nghiên cứu khoa học:

Hàng năm, các giảng viên đều kết hợp với công ty, nhà thuốc, bệnh viện thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và tham gia viết bài cho các báo, tạp chí trong và ngoài nước với nhiều định hướng như: mảng Truyền thông giáo dục sức khỏe; mảng đánh giá quá trình thực hiện các chính sách pháp luật tại các cơ sở y tế; mảng đánh giá chiến lược, hiệu quả của chính sách marketing một số sản phẩm của công ty phân phối; mảng đánh giá công nghệ y tế,...

Tổ chức hội thảo hướng nghiệp:

Từ khi thành lập đến nay, Khoa Dược đã có nhiều hoạt động, chương trình hay dành cho sinh viên có định hướng chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc. Điển hình như trong năm 2023, Khoa tổ chức hội thảo “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm định hướng nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo" và Lễ chuyển giao công nghệ với Công ty Life Gift; tổ chức “Hội nghị khoa học Khoa Dược NTTU lần thứ 2/2023” với chủ đề “Nghiên cứu ứng dụng Y Dược vào thực tiễn trong thời đại 4.0”, ...

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tuyengiao.vn/quan-ly-chat-che-he-thong-phan-phoi-cung-ung-thuoc-trong-nuoc-trong-chien-luoc-tong-the-cho-nganh-duoc-lieu-viet-nam-151737

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-nguyen-tat-thanh-80-sv-nganh-duoc-chon-hoc-quan-ly-va-cung-ung-thuoc-post242952.gd