Đến với bài thơ hay: Day dứt chị Thao!
Thương lắm hình ảnh chị Thao và biết bao số phận người phụ nữ có chồng hi sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Đặng Bá Tiến
Chị Thao
Thấy người cười chị Thao lại khóc
một góc Trường Sơn chồng chị đang nằm
một góc nhỏ mà kiếm tìm mù mịt
40 năm chị âm ỉ khóc thầm...
40 năm
chị như người câm
không vui cười
không đi lễ cưới
không dự thôi nôi
không mặc áo mới
không phấn son
nón sùm sụp cúi đầu...
40 năm
chớp mắt là chiêm bao
chị thấy anh về vẫy tay đầu ngõ
anh không thể đi
quầng mây trắng đỡ
anh không thể vào nhà
chỉ nhìn chị xót xa...
40 năm
hương khói ám thịt da
chị tự liệm mình
trong bốn vách nhà hiu hắt
40 năm người cười
chị Thao thì khóc
một góc Trường Sơn
chồng chị đang nằm...
chị đã bái vọng anh từ tóc biếc
đến bây giờ đã sắc lau thu
chị bảo
còn vọng anh như thế
chẳng thể nguôi ngoai cả khi đã xuống mồ!
Nguyên mẫu ngoài đời một khi đã bước vào địa hạt văn chương thường bao giờ cũng điển hình, khái quát cho thân phận của một lớp người trong xã hội.
Nhà thơ Đặng Bá Tiến, từ nguyên mẫu người chị trong gia đình mình có số phận khổ đau cùng với số phận chung của Tổ quốc qua hai cuộc trường chinh cứu nước, đã viết bài thơ “Chị Thao” đầy xúc động.
Tiếng lòng của thi nhân đã hòa vào thân phận người chị mà mình yêu quý nên lời thơ tự nhiên, dung dị mà tình cảm thật dư ba, sâu nặng và chan chứa nỗi niềm.
Câu thơ mở đầu thật lạ, nhưng đó là dụng ý của tác giả trong nghệ thuật lập tứ, xây dựng hình tượng thơ. Người ta cười, riêng chị Thao lại khóc, lạ thay!
Tiếng khóc ấy xuất phát từ đáy lòng của góa phụ chịu nhiều đau thương, mất mát sau cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Người chồng chị Thao - một chiến sĩ đã hi sinh giữa mịt mù Trường Sơn suốt bốn mươi năm không tìm thấy hài cốt. Đau lắm. Xót lắm.
Dường như nhà thơ Đặng Bá Tiến đã hòa tâm trạng của mình cùng với nỗi đau của nhân vật trữ tình để viết nên những câu thơ gan ruột và giàu cảm xúc: “Thấy người cười/chị Thao lại khóc/một góc Trường Sơn chồng chị đang nằm/một góc nhỏ mà kiếm tìm mù mịt/40 năm/chị âm ỉ/khóc thầm...”.
Những câu thơ vắt dòng ở đoạn thơ đầu thật tự nhiên mà hiệu quả nghệ thuật lại thâm thúy, bởi nó như những dòng nước mắt rơi xuống đầy cảm thông, xa xót. Từng giọt rơi, từng giọt rơi tê buốt qua thời gian dài suốt bốn mươi năm lặng lẽ của cuộc đời người chị đau khổ và đáng thương.
Sau đoạn thơ đầu giới thiệu khái khái quát về hình tượng chị Thao, để khắc họa sâu sắc hơn nỗi buồn thân phận của nhân vật trữ tình, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật điệp từ “không” 5 lần để nhấn mạnh sự trống vắng đến hoang liêu của một tâm hồn cô đơn băng tuyết.
Chồng hi sinh suốt bốn mươi năm, chị Thao “không” tất, ngay cả trong những cuộc vui mừng, chúc tụng, hiếu hỉ.
Người chị đáng thương ấy dường như đã đóng kín tâm hồn mình lại, thu lu như con sâu trong trái vải cô đơn, lịm mình giữa mối sầu chất ngất. Người chị ấy âm thầm nhận về mình một nỗi đau quá lớn, dường như chị dửng dưng vô cảm trước tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống hằng ngày.
Chị Thao sống mà như đã chết, chị như trơ ra, “chị như người câm”, “nón sùm sụp cúi đđầ” là những ý thơ đồng cảm, thấu hiểu thật sâu sắc của tác giả.
Chính sự chân thực từ nguyên mẫu ngoài đời, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã có những câu thơ trực cảm mà sắc nhọn, giản dị mà lan tỏa và thấm thía tâm hồn người đọc: “40 năm/chị như người câm/không vui cười/không đi lễ cưới/không dự thôi nôi/không mặc áo mới/không phấn son/nón sùm sụp cúi đầu...”.
Trong suốt chiều dài của thời gian suốt bốn mươi năm đoạn trường ấy, chị Thao đã mơ những giấc mơ thật hãi hùng và tội nghiệp. Chị Thao thấy người chồng mình trở về nhưng không bằng hình hài xương thịt mà bằng linh hồn bi thương và khổ não. Anh về trên “những quầng mây trắng đỡ”, không thể vào nhà mà chỉ nhìn chị xót xa.
Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về đề tài thương binh - liệt sĩ, về những mất và hi sinh của dân tộc ta, nhưng đến những câu thơ trên đã khiến lòng tôi vỡ trào một niềm xúc động, một niềm cảm thông rất mực. Thương lắm hình ảnh chị Thao và biết bao số phận người phụ nữ có chồng hi sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Kết thúc bài thơ là tâm nguyện của chị Thao, một tâm nguyện giản dị mà day dứt, tự nhiên mà se sắt tâm hồn tất cả mọi người.
Vẻ đẹp ngời sáng về lòng thủy chung, sự hi sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam không gì có thể so sánh được, nó là hình mẫu cho vẻ đẹp lí tưởng, khát vọng hiến dâng vĩnh cửu.
Hình tượng chị Thao nhờ đó trở thành nỗi niềm chung và điển hình cho số phận của người phụ nữ Việt Nam suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc: “chị đã bái vọng anh từ tóc biếc/đến bây giờ đã sắc lau thu/chị bảo/còn vọng anh như thế/chẳng thể nguôi ngoai cả khi đã xuống mồ!”.
Về nghệ thuật, nhìn tổng thể bài thơ, cấu trúc lặp cú pháp qua cụm từ “40 năm” cứ láy đi láy lại như một ám ảnh về thời gian, về nỗi mất mát và sự hi sinh quá lớn lao của hình tượng người phụ nữ có chồng hi sinh cho Tổ quốc.
“40 năm”, gần bằng cả thời gian của một đời người, chị Thao đã âm thầm gánh chịu sự chia biệt đoạn trường, âm dương cách trở, là tiếng nói phản kháng mạnh mẽ của nhà thơ về những cuộc chiến tranh phi nghĩa chà đạp lên số phận con người. Vì vậy, bài thơ “Chị Thao” có lẽ đâu chỉ là nỗi niềm riêng của một phận người bé nhỏ trước giông bão cuộc đời, nó là tiếng thét hờn căm, là tiếng lòng thổn thức nơi cõi nhân gian khi chiến tranh vẫn còn đi qua trên mặt đất này và gieo rắc đau khổ, tang thương.
Có lẽ vậy chăng mà khi đọc xong thi phẩm, những giọt nước mắt thương đời, thương người cứ lăn dài trên má, lăn dài như những câu thơ vắt dòng liên tục cứ rơi xuống không cùng trong một hình thức phô diễn nghệ thuật ngôn từ qua bài thơ “Chị Thao” của nhà thơ Đặng Bá Tiến.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-day-dut-chi-thao-post693462.html