Đến An Giang, 'săn' bình minh đẹp mơ màng trong sương sớm
Với mong muốn mang nét đẹp quê hương đến gần hơn với nhiều bạn bè trên cả nước, anh Dương Việt Anh đã có 'gia tài đồ sộ' những bức ảnh 'săn' bình minh đẹp yên bình tại An Giang.
Sinh ra và lớn lên tại An Giang, anh Dương Việt Anh (sinh năm 1985) dành tình yêu đặc biệt với mảnh đất quê hương.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế Toán – Tin, khác hẳn với bạn bè cùng trang lứa, anh không thích nơi thành phố náo nhiệt để lập nghiệp mà lựa chọn về gần gũi với thiên nhiên. Hiện nay, anh đang là Trưởng phòng An Ninh Mạng, khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang.
Ban đầu, vì muốn ghi lại những khoảnh khoắc và hình ảnh quê hương, với chiếc máy ảnh nhỏ và chiếc điện thoại, anh Việt Anh bắt đầu cho ra những bức ảnh đầu tay.
Đến năm 2010, do nhu cầu lưu trữ dữ liệu hình ảnh cho Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, Ban giám đốc đã đầu tư máy móc chuyên nghiệp hơn, anh Việt Anh vừa được thực hiện đam mê vừa phục vụ cho khu du lịch. Lúc ấy, anh bắt đầu chuyên sâu hơn về lĩnh vực này với những hình ảnh và bài viết du lịch An Giang.
Anh Việt Anh chia sẻ “Với mình, vùng bảy núi An Giang là một bức tranh thôn quê tuyệt vời, tập trung đầy đủ màu sắc thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ và huyền bí. Vì thế, mình thường chụp rất nhiều hình ảnh về quê hương, con người và cuộc sống đời thường nơi đây đăng tải lên các nhóm, các trang mạng xã hội chuyên mục du lịch để giới thiệu đến mọi người”.
Để thực hiện các bộ ảnh ‘săn’ bình minh ở An Giang, anh Việt Anh phải lên ý tưởng khoảng một tuần.
“Để có các bộ ảnh đẹp về bình minh ở vùng bảy núi, mình phải xem thời tiết từ chiều ngày hôm trước. Nếu chiều hôm trước có mưa nhiều thì sáng hôm sau là một bức tranh rất đẹp của màn sương ửng hồng. Hôm sau phải dậy từ 4:00 giờ sáng để bắt đầu đem máy móc thiết bị lên xe một mình đến nơi chụp ảnh và bắt đầu chọn góc máy, thực hiện những bộ ảnh cho thỏa niềm đam mê”, anh Việt Anh nói.
Nổi bật trong những bức hình An Giang là những bức ảnh bình minh vừa lên ửng hồng nơi cánh đồng thốt nốt ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.
Những người nông dân Khmer nơi đây đi ra ruộng trên con đường mòn chỉ đi bộ hoặc đi bằng xe đạp, xung quanh bao la đồng lúa cùng dáng đứng cao cao của hàng thốt nốt, xa xa là những ngọn núi trập trùng. Không gian và khoảnh khắc ấy tạo ra một bức tranh thôn quê yên bình, mộc mạc và thân thương.
Thanh Hiền