Đem món Việt đi xa
Chuyên gia ẩm thực Kevin Nguyen là chủ đầu tư chuỗi mười mấy nhà hàng lớn rải rác ở Đà Nẵng, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, rất nhiều nhà hàng lấy món Việt làm chủ đạo. Anh đang cùng cộng sự thực hiện ý tưởng mang món Việt đi xa, khẳng định bản sắc trong thế giới ẩm thực muôn màu.
* P.V: Hiện anh là người đang giữ kỷ lục Guinness chiếc bánh xèo khổng lồ lớn nhất Việt Nam. Tại sao lại phải làm điều đó?
- Kevin Nguyen: Chuyện này lâu rồi, và tôi cũng chỉ làm duy nhất một lần. Nhiều người không thích các món ăn kiểu “siêu to khổng lồ”. Tôi cũng vậy, đề cao sự tinh tế hơn. Nếu làm toàn những thứ như vậy chỉ để câu like, câu view thì rất chán. Nhưng nếu chúng ta xem đó là một thử thách, một trải nghiệm thì rất khác. Tin tôi đi, làm được một chiếc bánh xèo đường kính 4 mét với hàng trăm ki-lô-gam nguyên liệu mà vẫn giữ nguyên được hương vị truyền thống là việc rất khó. Phải thực sự am hiểu về món ăn, phải cực kỳ nhiều kỹ năng, và cả tinh thần đồng đội nữa, mới có thể làm ra được. Nếu không quá khắt khe, chúng ta có thể coi đó là một trong những cách thức tôn vinh món Việt. Thực tế là, chiếc bánh xèo khổng lồ đó, thực sự rất ngon, được thực khách đón nhận rất nhiệt tình. Tôi luôn tâm niệm, món ăn không chỉ để no. Nó là văn hóa. Và cả niềm vui nữa.
* P.V: Được biết, gia đình anh ở nước ngoài, bản thân anh cũng đã có trải nghiệm ẩm thực nhiều nơi trên thế giới, anh thấy món Việt “xếp hạng” thế nào trong thế giới ẩm thực?
- Kevin Nguyen: Câu hỏi này rất khó trả lời. Cũng tựa như hỏi giữa bún và phở, món nào ngon hơn vậy! Chúng ta không thể nói món Pháp ngon hơn món Việt hay ngược lại. Tuy nhiên, ở khía cạnh phổ biến, thì có thể nói rằng, món ăn Việt Nam có mặt ở khá nhiều nơi. Trên thế giới, hầu như ở đâu cũng tìm được món Việt. Riêng ở Mỹ thì hầu như đã là bản sao đầy đủ. Điều đó cho thấy, món Việt được đón nhận ở các nền văn hóa khác nhau.
* P.V: Nếu được chọn, anh sẽ đem món gì của Việt Nam để quảng bá với thế giới?
- Kevin Nguyen: Món Việt rất đa dạng, đặc trưng vùng miền, mỗi món có một phong vị riêng, nếu chọn một món, hay kể cả vài món đại diện để “đem chuông đi đánh xứ người”, thì tôi e là khó thỏa đáng. Với riêng chúng tôi trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi đang muốn đưa món mỳ Quảng đi xa hơn. Đây là món ăn cực kỳ đặc sắc nhưng chủ yếu phổ biến ở Quảng Nam, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh chứ chưa phổ biến ở phạm vi toàn quốc, còn ở nước ngoài thì rất hiếm. Đây là điều hơi đáng tiếc. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình khảo sát, hoạch định nên chưa thể nói được gì nhiều. Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu có một chương trình quảng bá dài hơi, đủ mạnh, thì việc phổ biến món mỳ Quảng ở trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài có triển vọng tốt.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt là một công việc to lớn, bao gồm cả truyền bá món ăn và văn hóa nữa. Chúng ta bán phở, bún, miến nhiều nơi trên thế giới. Thoạt đầu, cứ tưởng như vậy là xong. Kỳ thực không phải. Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy, hầu như trên thế giới chỉ người Việt nấu món Việt, rất ít người nước ngoài nấu được món Việt. Ngược lại, người Việt chúng ta lại nấu khá nhiều món Âu, Á, nhất là món Pháp, Ý, Nhật, Hàn, Trung, kể cả Thái. Cá nhân tôi thấy, chúng ta đang thua họ ở khía cạnh này.
Tôi cho rằng, để đem món Việt đi xa, du nhập vào thế giới ẩm thực toàn cầu, cần đến một chiến lược quốc gia chứ không thể nào là những nỗ lực đơn lẻ. Những nước khác họ làm điều đó lâu lắm rồi. Giờ chúng ta bắt đầu, chậm một chút, cũng chẳng sao. Miễn là chúng ta hành động.
Đường xa vạn dặm bắt đầu từ một bước chân mà!
* P.V: Cảm ơn anh!
QUỲNH NHƯ (thực hiện)
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/159_256505_dem-mon-viet-di-xa.aspx