Đề xuất phân cấp, phân quyền nhiều hơn khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 12-4, UBND thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học chính sách 'Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, liên thông, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' và 'Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô'. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì tọa đàm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, hai chính sách được đưa ra tại tọa đàm có tính chất quan trọng. Thành phố cần có tổ chức bộ máy chính quyền đủ năng lực để thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Thủ đô (sửa đổi) đề ra. Từ yêu cầu tổ chức bộ máy chính quyền đó, cần có đội ngũ cán bộ chất lượng cao nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

“Đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học cũng làm rõ nội dung, giải pháp chính sách cần đánh giá tác động đưa vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, phân tích, dự báo tác động của từng chính sách đối với các đối tượng: Người dân, doanh nghiệp, tổ chức, Nhà nước… chịu tác động của chính sách như tác động về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và đối với hệ thống pháp luật”, đồng chí Lê Hồng Sơn nói.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao những nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) được thành phố xây dựng. Bên cạnh đó, đề xuất chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng thành phố chỉ nên tổ chức chính quyền đầy đủ (HĐND - UBND) ở cấp thành phố; đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính (UBND) để bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hoạt động của HĐND thành phố; phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền thành phố...

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng nhận định, mặc dù đã có những chính sách vượt trội, tuy nhiên, Thủ đô chưa thực sự thu hút, tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Các đại biểu đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài không chỉ trong nước, mà trên khắp thế giới về làm việc, cống hiến xây dựng Thủ đô...

Kết thúc tọa đàm, trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ các quan điểm, gợi ý cách làm của các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở đó, UBND thành phố sẽ xây dựng thành các luận cứ trong báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trên.

Đồng chí Lê Hồng Sơn mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong thời gian tới để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hoàn chỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1029293/de-xuat-phan-cap-phan-quyen-nhieu-hon-khi-xay-dung-luat-thu-do-sua-doi