Đề xuất nhiều giải pháp phát huy lợi ích từ thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ (SHTT) toàn quốc tổ chức tại Bắc Giang sáng 17/3, nhiều đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp phát huy lợi ích từ thực thi quyền SHTT, tạo động lực phát triển KT-XH.
Ông Đào Đức Huấn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư: Xác lập quyền SHTT, nâng tầm sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được thực hiện từ năm 2018, đến nay 63/63 tỉnh, TP có kết quả đánh giá, phân hạng với 6.010 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
Từ chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp...
Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế.
Đặc biệt, các chủ thể có sản phẩm OCOP chưa quan tâm đến vấn đề SHTT; năng lực về SHTT còn hạn chế. Các cơ quan quản lý chưa quan tâm đến SHTT trong việc phát triển các sản phẩm OCOP đối với thương hiệu địa phương (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); SHTT chưa được quan tâm đúng trong đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP ở các địa phương... dẫn đến việc phát triển, nâng tầm thương hiệu còn khó khăn.
Để thực hiện SHTT trong phát triển các sản phẩm OCOP, Bộ KH&CN cần xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đối với sản phẩm OCOP; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về SHTT cho các chủ thể OCOP. Phối hợp triển khai các hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; giám sát hoạt động thực thi quyền về SHTT đối với sản phẩm OCOP.
Sở KH&CN các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT cho các chủ thể; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để nâng cao vai trò của SHTT trong Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác các thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận); xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển tài sản SHTT thông qua đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh: Gỡ “nút thắt” trong quản lý, phát huy tài sản trí tuệ
Trung bình mỗi năm, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh nghiệm thu hơn 40 nhiệm vụ và trung bình mỗi nhiệm vụ chỉ ghi nhận một đơn vị SHTT. Các kết quả từ nhiệm vụ KH&CN là tài sản công phải được quản lý, khai thác, chuyển giao.
Tuy nhiên, theo các giao kết trong Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, các sản phẩm chỉ được ghi nhận trong tập báo cáo nghiệm thu, không ghi nhận tách biệt thành các đơn vị tài sản độc lập để có thể quản lý, khai thác, thẩm định giá hoặc chuyển giao như quy định về quản lý tài sản công nên dẫn đến thất thoát tài sản công của Nhà nước.
Để quản lý TSTT hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh xây dựng quy trình gồm: Ghi nhận để tiến tới xác lập quyền sở hữu kịp thời và đầy đủ các TSTT dưới dạng các đơn vị tài sản độc lập; xây dựng quy chế quản lý, giám sát, khai thác TSTT và xây dựng quy chế chuyển giao TSTT.
Mặc dù vậy, quá trình thực hiện vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, các tổ chức chủ trì (trường đại học/viện nghiên cứu) là nơi tạo ra và nắm giữ các kết quả nghiên cứu nên có động cơ và khả năng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu một cách tốt nhất. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Nhà nước luôn là chủ sở hữu/đại diện chủ sở hữu đối với các TSTT là kết quả nhiệm vụ do đó không tạo ra sự khuyến khích việc thương mại hóa TSTT.
Cùng đó khoản 2 Điều 3 Thông tư số 45 của Bộ Tài chính quy định tài sản phải thỏa mãn 2 tiêu chuẩn là có nguyên giá ≥ 10 triệu đồng và có thời hạn sử dụng ≥ 1 năm, trong khi các tài sản là cơ chế chính sách, bài báo khoa học (chỉ sử dụng một lần hay vẫn còn giá trị sử dụng cho đến khi có cái khác thay thế), bộ sưu tập giống cây, giống con (tính nguyên giá của bộ sưu tập hay từng cá thể, thời gian sống của giống cây, giống con) nên khó xác định được thời hạn sử dụng/nguyên giá. Từ đó khó khăn cho Cơ quan quản lý nhiệm vụ trong việc ghi nhận, quản lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN.
Do đó, Bộ KH&CN quan tâm nghiên cứu, giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn kinh phí (trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia) kèm theo điều kiện tổ chức chủ trì được giao quyền đăng ký một cách tự động và không bồi hoàn kinh phí khi chuyển nhượng quyền sở hữu phải được nhà nước chấp thuận. Nhà nước có quyền giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu vì lợi ích cộng đồng. Cùng đó xác định cách ghi nhận tài sản cố định là kết quả nhiệm vụ để làm cơ sở xử lý tài sản công theo quy định.
Luật sư Nguyễn Bá Hội, Công ty TNHH Nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ COCETTI:Lựa chọn sản phẩm danh tiếng, khả năng thương mại tốt đưa vào thị trường Nhật Bản
Là thành viên tham gia dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại Nhật Bản cho 3 sản phẩm: Vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột”, tôi nhận thấy, xét về tổng thể, các quy định về đăng ký, bảo hộ CDĐL của Việt Nam và Nhật Bản cơ bản tương đồng, mục tiêu đều hướng đến bảo vệ, phát huy giá trị của một sản phẩm đặc sản mang tính bản địa của một địa phương, khu vực.
Dù vậy, do mỗi quốc gia có những đặc điểm riêng, trình độ phát triển khác nhau nên có những sự khác biệt về quy định của pháp luật và quy trình xét nghiệm. Điển hình như về hồ sơ đơn, nếu như ở Việt Nam chỉ cần 6 loại tài liệu thì phía Nhật Bản đòi hỏi 13 loại; ở Việt Nam không cần phân nhóm sản phẩm, không cần đăng ký thì bên Nhật Bản phân ra 22 nhóm, đồng thời yêu cầu tập thể người sản xuất có dự định thực hiện quản lý quy trình sản xuất đối với sản phẩm đã đăng ký... Chính những sự khác biệt này khiến dự án phải gia hạn lần thứ 4 và kéo dài 3 năm (kế hoạch thực hiện trong thời gian 13 tháng).
Từ thực tiễn thực hiện dự án, nhóm thực hiện rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc lựa chọn sản phẩm, xây dựng hồ sơ đăng ký đến phương pháp làm việc, quản lý CDĐL một cách khoa học, cụ thể.
Để bảo đảm hiệu quả của việc đăng ký CDĐL vào Nhật Bản, theo tôi chỉ nên đăng ký với những sản phẩm có danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù, rõ ràng, có khả năng chứng minh được bằng các chứng cứ, tài liệu khoa học; xem xét trao quyền đăng ký và quản lý cho các tổ chức tập thể tại địa phương (hội, hiệp hội, hợp tác xã...) cùng thời điểm lựa chọn sản phẩm. Sau khi lựa chọn sản phẩm cũng như xác định chủ sở hữu cần nghiên cứu chi tiết và đối chiếu với các quy định của Nhật Bản để xác định những vấn đề còn thiếu cần phải bổ sung. Để việc đăng ký CDĐL thành công, tiết kiệm chi phí cần lựa chọn một tổ chức đại diện có kinh nghiệm của Nhật Bản để họ hỗ trợ một cách hiệu quả.
Thực tế quá trình thực hiện CDĐL cho 3 sản phẩm trên cho thấy, các xét nghiệm viên của Nhật Bản không xem xét cùng lúc 3 hồ sơ mà lần lượt nghiên cứu từng hồ sơ. Vì vậy việc đăng ký CDĐL vào Nhật Bản, các địa phương cần có cơ chế đặc thù cả về tài chính và thời gian.
Sỹ Quyết (ghi)