Đề xuất lập 3 Tòa chuyên trách gồm Tòa sở hữu trí tuệ, Tòa hành chính và Tòa phá sản

TAND Tối cao đã có văn bản về việc tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến về dự thảo lần 2 tờ trình đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND. Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của ngành Tòa án. Dự kiến văn bản trên sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.

Góp ý xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, TAND Tối cao đề xuất đổi tên Tòa cấp tỉnh hay thành phố trực thuộc Trung ương thành TAND phúc thẩm. Đơn vị mới giữ nguyên cơ cấu tổ chức, nhưng chuyển thẩm quyền xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND hay chủ tịch UBND từ cấp tỉnh trở lên; chuyển thẩm quyền giải quyết các vụ việc đặc thù về sở hữu trí tuệ, phá sản sang cho TAND chuyên biệt.

Dự thảo cũng đề xuất đổi tên TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm. Sửa đổi, bổ sung quy định để TAND sơ thẩm giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND phúc thẩm và TAND chuyên biệt.

Đặc biệt, đề xuất thành lập các tòa chuyên trách gồm Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Hành chính và Tòa Phá sản (trước mắt chỉ thành lập tòa chuyên trách về Phá sản ở TAND Cấp cao Hà Nội và TP.HCM, thành lập tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ ở TAND Cấp cao Hà Nội).Về cơ cấu HĐXX, tiêu chuẩn Hội thẩm tham gia xét xử tại các TAND chuyên biệt phải là các chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên trong các lĩnh vực về kinh tế, doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ để tham gia xét xử các vụ án thuộc lĩnh vực đặc thù tương ứng.

Đối với Tòa án quân sự, đề xuất bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quân đội.

Ngoài ra, TAND Tối cao đề xuất bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa, mà việc này thuộc thẩm quyền của của cơ quan điều tra, công tố. Bởi vì Tòa án là cơ quan xét xử, nhưng nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử.

Đăng Khôi

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/de-xuat-lap-3-toa-chuyen-trach-gom-toa-so-huu-tri-tue-toa-hanh-chinh-va-toa-pha-san-324152.html