Đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư đã thực sự căn cơ?

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, song đại biểu Quốc hội băn khoăn hai nội dung đề xuất điều chỉnh chưa phải là căn cơ. Qua đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn, nếu Chính phủ khẳng định hoàn toàn thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình thì Quốc hội cũng rất yên tâm và rất phấn khởi.

Chiều nay, 25.5, tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang.

Điều chỉnh là cần thiết, thực hiện sẽ tốt hơn

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu Quốc hội Tổ 13 đều nhất trí cao với sự cần thiết điều chỉnh với các lý do Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đề xuất điều chỉnh quy định về nguồn vốn, ĐBQH Y Vinh Tơr (Đắk Lắk) cho biết, Nghị quyết số 120/2020/QH14 quy định: "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025”, nhưng trên thực tế, nguồn vốn của Chương trình gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp dẫn đến chưa thống nhất giữa quy định trong chủ trương đầu tư của Chương trình và nguồn vốn đã phân bổ và chưa đồng bộ với quy định 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

"Quá trình thực hiện 3 năm vừa qua không vướng nhưng để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và phục vụ cho công tác hậu kiểm Chương trình sau này nên có sự điều chỉnh như Chính phủ đề xuất", đại biểu Y Vinh Tơr đề nghị.

ĐBQH Y Vinh Tơr (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Y Vinh Tơr (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội điều chỉnh quy định về nguồn vốn thực hiện Chương trình thành "Nguồn vốn của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành".

Ủng hộ việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình vì "điều chỉnh là cần thiết, tốt hơn, quy định cụ thể, rõ ràng hơn và thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện", song ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cũng thống nhất quan điểm đưa hai nội dung đề xuất sửa đổi vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, không cần thiết phải ban hành một Nghị quyết riêng.

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Ngô Trung Thành băn khoăn vì các nội dung Chính phủ đề xuất sửa đổi không phải là nội dung căn cơ, phải điều chỉnh mới bảo đảm được việc thực hiện Chương trình.

"Đây là Chương trình rất lớn. Qua chất vấn năm 2023, Quốc hội đã xác định tại Nghị quyết số 100 thì tôi hình dung những đề xuất sửa đổi phải căn cơ hơn, những nội dung thực sự cần thiết để chúng ta thực hiện được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra của Chương trình. Còn hai nội dung đề xuất hiện nay thì chưa phải là căn cơ. Nếu Chính phủ khẳng định, với các nội dung đề xuất sửa đổi này Chính phủ hoàn toàn thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình như Quốc hội đã đề ra thì Quốc hội cũng rất yên tâm và rất phấn khởi. Đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn với Quốc hội nhất là khi đề xuất sửa đổi này trong giai đoạn chỉ còn khoảng 1,5 năm thực hiện", đại biểu Ngô Trung Thành nói.

Hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của Chương trình

Về điều chỉnh phạm vi đầu tư, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu rõ, dù đã được quan tâm rất lớn, được đầu tư nhiều nhưng thống kê cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hết sức khó khăn với 5 “cái nhất” đáng buồn, đó là: vùng khó khăn nhất; vùng có chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; vùng có kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; vùng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu cho biết, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 của cả nước còn 2,93%, giảm 1,1%; trong khi đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số dù giảm 3,2% nhưng vẫn còn khoảng 17,82% - tức là cao gấp gần 6 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15% dân số nhưng chiếm hơn 50% số hộ nghèo.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng hưởng thụ của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm: một số trường dự bị đại học, trường đại học, các trường phổ thông dân tộc nội trú không nằm địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; một số Trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện có vai trò quan trọng; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số.

“Đây là các đối tượng tác động trực tiếp đến 3/6 chỉ số đo lường của chuẩn nghèo đa chiều: giáo dục, y tế và văn hóa thông tin”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.

Nhấn mạnh lại các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Hơn nữa, theo Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung 4 nhóm đối tượng với hơn 4.000 tỷ đồng nêu trên cũng không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Như vậy, không có tác động về nguồn lực đầu tư.

Về thẩm quyền và hình thức văn bản, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy với 2 nội dung:

Một là, Quốc hội nhất trí điều chỉnh nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nêu tại khoản 3 Điều 1 là “Nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hằng năm và các quy định hiện hành”.

Hai là, Quốc hội đồng ý về sự cần thiết và bổ sung đầu tư, hỗ trợ 4 nhóm đối tượng vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021 đến năm 2025; giao Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách cụ thể, bảo đảm mục tiêu của Chương trình và bảo đảm không làm tăng tổng mức đầu tư đã được Nghị quyết 120 của Quốc hội quyết định.

Lưu ý thời gian còn lại của giai đoạn 1 chỉ 1,5 năm, đại biểu đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể (trong Hồ sơ đã có phụ lục 2 Danh mục các đối tượng có trụ sở không nằm trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần đầu tư nhưng chưa có Danh mục di tích mà nói là sẽ xác định cụ thể trong quá trình phê duyệt và triển khai đầu tư); ban hành kế hoạch triển khai; quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện.

Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là đối với các đối tượng đã được đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế và theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 về "Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid - 19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng". Đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với các đối tượng đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được trình Quốc hội thông qua.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/de-xuat-dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-da-thuc-su-can-co--i372827/