Đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính
Bộ Công Thương đã đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính như trước đây nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về 1 đầu mối và phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến đề xuất, sửa đổi điểm đ khoản 1 và bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 40 đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan.
Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu để duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá. Mức trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại thời điểm công bố giá cơ sở thực hiện sau khi thống nhất với Bộ Công Thương. Khi có ý kiến khác nhau, Bộ Tài chính quyết định và chịu trách nhiệm; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện các quy định tại Điều 38 Nghị định này.
Giải thích về đề xuất này, Bộ Công Thương cho biết, xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành. Chẳng hạn Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giá; Bộ KH-CN chịu trách nhiệm về chất lượng, đo lường xăng dầu; Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về nguồn cung, hệ thống phân phối…
Do đó, Thường trực Tổ biên tập đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nội dung này theo 3 phương án.
Phương án 1: Giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.
Ưu điểm của phương án này là việc phân công phối hợp đã được thực hiện từ nhiều năm và phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành; Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm có sự giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ.
Nhưng nhược điểm là khi có vấn đề phát sinh cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành để cùng xử lý.
Phương án 2, đối với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ được giao. Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Ưu điểm của phương án này là bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu.
Nhược điểm là việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường xăng dầu không được hài hòa; không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Phương án 3 là Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất thực hiện điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu. Các Bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Ưu điểm của phương án này là có thể thống nhất đầu mối quản lý về giá và cung cầu mặt hàng xăng dầu về 1 cơ quan. Còn nhược điểm là không bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong việc phân công, thực hiện nhiệm vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ giữa các Bộ, ngành hiện nay; dẫn tới sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành; đồng thời có thể làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ.
Từ phân tích trên, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2, theo đó giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Bộ Công Thương cho rằng, nhiệm vụ điều hành giá xăng dầu được giao cho Bộ Tài chính sẽ tập trung việc quản lý điều hành giá về 1 đầu mối và phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Trước năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng dầu trước năm 2014. Sau thời điểm này, khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công Thương chủ trì, và Bộ Tài chính có nhiệm vụ phối hợp.