Để vận tải công cộng hút khách, chỉ trợ giá là không đủ
Rất nhiều khẩu hiệu ưu tiên giao thông công cộng đã được đưa ra nhưng nếu không có thêm những chính sách, những hành động ưu tiên khác ngoài trợ giá thì rất khó để đạt mục tiêu thu hút người dân sử dụng dịch vụ.
Đó là quan điểm được nêu ra tại tọa đàm “Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?” do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải” tổ chức sáng nay.
Vận tải công cộng đáp ứng khoảng 19,5% nhu cầu đi lại
Những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực mở rộng mạng lưới, đầu tư đổi mới phương tiện, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, điều hành, giúp người dân tiếp cận dịch vụ vận tải hành khách công cộng dễ dàng hơn. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2024, thành phố có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Cầu Giấy thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đi vào vận hành đã góp phần đáp ứng đáng kể nhu cầu đi lại của hành khách.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, tính tới ngày 25-9, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển trên 28,15 triệu lượt hành khách. Hiện tuyến này có hơn 12.000 vé tháng và vào các khung giờ cao điểm, số lượng người đi bằng vé tháng đạt tới 80-85%.
Với tuyến Nhổn - ga Hà Nội, từ ngày đầu chính thức vận hành phục vụ nhân dân (8-8-2024) cho tới ngày 25-9 đã vận chuyển gần 1,3 triệu lượt hành khách. Sản lượng nói trên đã chứng minh hiệu quả thực tế của loại hình đường sắt đô thị.
Thông tin thêm về kết quả hoạt động vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, sản lượng hành khách của xe buýt và đường sắt đô thị từ đầu năm 2024 đến nay đạt khoảng 300 triệu lượt (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính đến hết tháng 9-2024, vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đáp ứng khoảng 19,5% tổng nhu cầu đi lại của người dân. Trong tỷ lệ này, lượng khách đi lại thường xuyên (học sinh, sinh viên, người đi làm, đối tượng ưu tiên - người cao tuổi) chiếm 70%.
“Tỷ lệ hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng có sự chuyển biến, song vẫn cách xa chỉ tiêu kỳ vọng của cấp có thẩm quyền và cơ quan quản lý. Bởi mục tiêu thành phố đặt ra đến năm 2024, vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 22-25% nhu cầu đi lại. Con số này phải đạt tối thiểu 30% vào năm 2025. Đây là con số rất thách thức”, ông Phạm Đình Tiến nói.
Phải tăng người sử dụng trong giờ cao điểm
Là người chọn vận tải công cộng là phương tiện đi lại thường xuyên, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, hiện đang có một tỷ lệ rất lớn người dùng phương tiện công cộng là người cao tuổi. Lượng khách đó không giúp giảm nhiều mật độ trong giờ cao điểm. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao để tăng người sử dụng trong giờ cao điểm.
Cũng theo ông Phan Lê Bình, hiện thành phố Hà Nội đã dành nhiều ưu tiên cho phương tiện công cộng, mỗi năm trợ giá hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc trợ giá chỉ giúp về mặt tài chính cho hành khách chứ không giúp rút ngắn thời gian đi lại. Chúng ta chỉ rút ngắn được thời gian đi lại nếu dành làn đường riêng cho xe buýt công cộng như tuyến BRT. Rất nhiều khẩu hiệu ưu tiên giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân được đưa ra nhưng nếu không có thêm những chính sách, những hành động khác ưu tiên cho xe buýt ngoài trợ giá thì rất khó để đạt được mục tiêu. Do đó, quan trọng nhất vẫn là phải ưu tiên hạ tầng để rút ngắn thời gian đi lại.
Thứ hai là cần có giải pháp bảo đảm lối đi bộ an toàn cho người dân di chuyển đến trạm xe buýt và nhà ga đường sắt đô thị.
Thứ ba là về vấn đề kết nối, phía các đơn vị quản lý đã làm rất nhiều giải pháp để kết nối xe buýt với tuyến đường sắt, buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, thời gian tới cần có giải pháp để kết nối thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là việc kết nối giữa hai tuyến đường sắt đô thị với nhau.
Đồng quan điểm, ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhấn mạnh, để vận tải hành khách công cộng thu hút khách cần tập trung vào việc rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ, từ đó tăng sức cạnh tranh với các phương tiện cá nhân; nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên; không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng phương tiện; chú trọng mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ xe buýt…
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Phạm Đình Tiến cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã nhận định được vấn đề và có giải pháp trung và dài hạn. Đó là điều hành mạng lưới tuyến buýt phải linh hoạt. Đối với hạ tầng của đường sắt đô thị, hiện 100% điểm dừng xe buýt đã bố trí ở chân nhà ga.
“Hiện mạng lưới buýt có 13 tuyến kết nối trực tiếp với các ga của tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Để phát huy hiệu quả tối đa của tuyến, chúng tôi đã mở rộng vùng phục vụ, điều chỉnh tuyến 20A từ Nhổn mở rộng ra Sơn Tây, mở rộng ra phía Nam như Chương Mỹ, sang Sóc Sơn, để đưa hành khách đến đường sắt đô thị” - ông Phạm Đình Tiến cho hay.
“Đối với phương tiện vận tải công cộng, không có phương tiện nào ra đời triệt tiêu phương tiện khác. Các phương tiện vận tải công cộng là một gia đình nếu phối hợp với nhau tốt thì sẽ giúp cả hệ thống cùng khỏe!” - ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.