Để tranh dân gian tỏa sáng cùng trăng rằm
Sau gần 4 năm triển khai dự án, các hoạt động của Magic of color đã khơi dậy sự kết nối giữa thế hệ xưa và nay, giữa nghệ nhân và người trẻ.
Những chiếc đèn lồng từ tre và giấy dó được điểm tô bằng những nét vẽ dân gian, đã làm bừng sáng nét đẹp, sự thuần khiết vốn có của văn hóa truyền thống Việt.
Sáng tạo từ nguồn vốn di sản
Nằm trong chuỗi sự kiện “Màu ký ức” nhân dịp Trung thu 2024, workshop làm đèn lồng giấy dó và các hoạt động giao lưu với nghệ nhân dân gian đang diễn ra tại không gian Trung tâm Nghệ thuật đương đại Area 75 - Art & Auction (Hàng Bồ, Hà Nội), mở ra trải nghiệm sáng tạo đầy thú vị về hành trình làm sống lại những giá trị văn hóa truyền thống.
Là một dự án nghệ thuật tâm huyết của nhóm Magic of color, từ năm 2020 đến nay hàng chục sự kiện tìm hiểu và hoạt động trải nghiệm về các loại hình tranh dân gian Việt Nam được tổ chức, nhằm đem đến cho công chúng hiện đại thấy được vẻ đẹp đích thực của giá trị mỹ thuật truyền thống. Đồng thời, khơi gợi ở những người trẻ tình yêu với văn hóa Việt và sự sáng tạo không giới hạn từ nguồn vốn di sản.
Chị Nguyễn Thị Hữu - người sáng lập dự án Magic of color cho biết, phần lớn các thành viên của nhóm đều là các bạn trẻ, là sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Mọi người cùng chung mục đích phát triển ý tưởng, thiết kế các dòng tranh dân gian trên các sản phẩm ứng dụng hiện đại như đèn trang trí nội thất, sách vở, bình gốm, túi xách… nhằm đưa hình ảnh văn hóa truyền thống đến gần hơn với cuộc sống đương đại.
Mượn từ “Màu dân tộc” trong câu thơ “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của thi sĩ Hoàng Cầm trong thi phẩm nổi tiếng “Bên kia sông Đuống” khi nói về làng tranh Đông Hồ, dự án “Màu dân tộc” được khơi nguồn như một tiếng gọi trở về với truyền thống.
Với lợi thế từ công việc chuyên môn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giúp chị Hữu cũng như nhóm Magic of color có nhiều cơ hội học hỏi, nghiên cứu tư liệu về mỹ thuật dân gian.
Nhóm không ngừng học hỏi các nghệ nhân, nắm vững đặc điểm, nét độc đáo từng loại tranh và học hỏi quy trình làm tranh chuẩn. Khi đến với tranh dân gian Đông Hồ, dự án nhận được sự giúp đỡ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, với tranh Hàng Trống lại nhận được sự chỉ bảo từ nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Hay ở dòng tranh Kim Hoàng, nghệ nhân Đào Đình Trung và họa sĩ Nam Chi đã cởi mở bày tỏ những bí quyết. Từ nguồn nguyên vật liệu cho đến các chủ đề của tranh, từ cách chọn giấy, làm hồ cho đến kỹ thuật dùng bản khắc in đều được các nghệ nhân bày tỏ cách chi tiết nhất. Nhờ vậy mà nhóm đã phát triển ý tưởng dự án một cách bài bản, mang tính chuẩn mực cao.
Sau gần 4 năm triển khai dự án, cho đến hiện tại các hoạt động của Magic of color đã khơi dậy sự kết nối giữa thế hệ xưa và nay, giữa nghệ nhân và người trẻ thông qua những buổi chia sẻ, hướng dẫn, trải nghiệm thực hành đầy thú vị.
Với chất liệu từ giấy dó và tre kết hợp với hình ảnh từ những dòng tranh dân gian độc đáo đã khiến những chiếc đèn lồng thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Khi được thắp sáng, những chiếc đèn lồng ấy không chỉ rực rỡ sắc màu Trung thu, mà còn gợi tả ở người khác cảm giác hoài niệm về một nền văn hóa thật đẹp, thật thuần khiết đã vô tình bị quên lãng, bị khỏa lấp giữa vô vàn những thú vui và vật dụng hiện đại.
Những chiếc đèn tỏa sáng văn hóa
Dành riêng cho Trung thu 2024 sự độc đáo và những cảm nhận của văn hóa Thăng Long, loạt workshop làm đèn lồng giấy dó được chị Nguyễn Thị Hữu và các thành viên của Magic of color hướng công chúng tới “Màu ký ức” với dòng tranh Hàng Trống - dòng tranh tinh hoa thuộc đất cũ của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương xưa.
Là một dòng tranh nổi tiếng nhất Thăng Long, song đến nay bởi sự mai một nên nhiều người chỉ biết đến qua các đề tài nổi tiếng như Tố nữ hay Tứ bình. Tuy nhiên, theo chị Hữu thì dòng tranh Hàng Trống có rất nhiều mẫu tranh khác nhau.
Đó có thể là khung cảnh sinh hoạt bình dị trong đời sống thường nhật, hoặc các trò chơi dân gian. Những bức tranh này đã được lưu giữ hàng trăm năm nay, và hiện là một bộ tranh được cho là ít người biết đến.
Trong trải nghiệm lần này, dự án đã lựa chọn ván khắc của 5 chủ đề tiêu biểu về các trò chơi dân gian như rước rồng, múa lân, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, kéo co để mô tả sinh hoạt văn hóa trong dịp Tết Trung thu xưa. Để dễ dàng dán tranh lên thân đèn, ván khắc phải là loại có kích cỡ nhỏ hơn nhiều so với tranh treo tường.
Thay vì chỉ việc ngắm nhìn vẻ đẹp của những chiếc đèn lồng, công chúng có thể tự tay làm cho mình những chiếc đèn mang dáng dấp của văn hóa kinh kỳ. Không chỉ là trải nghiệm, đây còn là cơ hội để mở rộng hiểu biết về giấy dó - loại giấy đặc trưng dùng trong sáng tạo tranh dân gian, cách vẽ màu, bồi giấy, dán hồ…
Ngoài đèn lồng, nhóm còn thực hiện những chiếc đèn treo thả, đèn để bàn mang tính ứng dụng cao. Thậm chí, những chiếc đèn ấy có thể dùng để trang trí trong không gian sống, nghỉ dưỡng, ẩm thực, nghệ thuật… như một decor sang trọng, có sức lan tỏa các giá trị thẩm mỹ và văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Đến với workshop “Màu ký ức”, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho rằng, việc những họa tiết đặc trưng của dòng tranh Hàng Trống được ứng dụng trong đời sống hiện đại đã góp phần lưu giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Thăng Long.
Đó là cách gợi nhớ về thú chơi tranh tinh tế và sang trọng của các cụ ngày xưa, cũng là cách nhìn nhận lại hình tượng văn hóa đầy nhã nhặn mà tiền nhân đã gửi thông điệp vào từng chủ đề, từng nét vẽ.
Magic of color không chỉ mang đậm màu sắc của những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, mà còn mang trong đó sự đa sắc, cá tính của người trẻ hướng về cội nguồn. Nhóm dự án không chỉ muốn tổ chức hoạt động văn hóa truyền thống với du khách trong nước, mà còn cả du khách nước ngoài, bởi mỗi du khách là một cầu nối góp phần lan tỏa tinh hoa văn hóa truyền thống đến người khác và đến với thế giới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-tranh-dan-gian-toa-sang-cung-trang-ram-post697510.html