Để Thương vụ Việt Nam là 'cánh tay nối dài' của Chính phủ và doanh nghiệp
Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp, các Thương vụ Việt Nam cần đẩy mạnh vai trò là 'cánh tay nối dài' của Chính phủ và doanh nghiệp.
Trong năm 2024, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng GDP, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; làm tốt công tác đối ngoại…
Góp phần vào những thành công này, ngành Công Thương đã khẳng định vai trò nổi bật trong hoạt động kinh tế quốc tế, đặc biệt thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Các thương vụ không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và thị trường quốc tế, mà còn đóng vai trò cung cấp thông tin chiến lược cho Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ trước đến nay, Việt Nam đã đối mặt với 270 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ, bao gồm chống bán phá giá, tự vệ, chống lẩn tránh và chống trợ cấp. Riêng năm 2024, có 28 vụ phòng vệ thương mại mới, với 13 vụ từ Hoa Kỳ, tiếp theo là ASEAN, Canada và Hàn Quốc.
Trước những diễn biến trên, các Thương vụ Việt Nam năm qua đóng vai trò nắm bắt thông tin các giai đoạn, diễn biến, kết quả của vụ việc và kịp thời thông báo về nước nhà. Trong nhiều vụ việc, ngay khi nhận được thông tin, Thương vụ Việt Nam đã gửi thông tin cho Chính phủ Việt Nam, thông báo về khả năng nước bạn sẽ tiến hành điều tra đối với mặt hàng này. Nhờ cảnh báo sớm từ Thương vụ, Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp có liên quan tới vụ việc đã có thêm thời gian lên phương án kháng kiện khi vụ việc xảy ra.
Nhờ nỗ lực không nhỏ đến từ các Thương vụ Việt Nam, trong thời gian qua, Australia đã chấm dứt lệnh áp thuế đối với nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp (ống thép chính xác, dây đai thép phủ màu, ống đồng, nhôm ép, amoni nitrat...). Trong khi đó, Ấn Độ và Malaysia, cũng lần lượt chấm dứt các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với ván gỗ MDF, nhựa PET, tôn lạnh… Những kết quả trên không chỉ là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp nước ta, mà còn góp phần giữ gìn mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, đặc biệt là với các đối tác chiến lược toàn diện như Australia, Ấn Độ và Malaysia.
Không chỉ hỗ trợ kháng kiện thương mại, các thương vụ còn giải quyết nhiều vấn đề pháp lý, bảo vệ doanh nghiệp trong các giao dịch quốc tế. Điển hình, vào đầu năm nay, một doanh nghiệp Việt sau ký hợp đồng nhập khẩu nhựa PET từ UAE đã phát hiện dấu hiệu lừa đảo sau khi giao dịch. Nhờ sự can thiệp của Thương vụ Việt Nam tại UAE, vụ việc được giải quyết, giúp doanh nghiệp thu hồi toàn bộ số tiền tạm ứng, tránh tổn thất hơn 13,4 tỷ đồng.
Mặt khác, các thương vụ cũng đã cung cấp thông tin và có những khuyến nghị thiết thực cho các Hhệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo dựng thương hiệu, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường trọng điểm.
Tiêu biểu như sự kiện vào tháng 10 vừa qua, khi Tập đoàn Tân Long từ Việt Nam đã thành công xuất khẩu 1.000 tấn gạo JAPONICA chất lượng cao mang thương hiệu A An vào thị trường Nhật Bản. Đây là thương hiệu gạo thứ hai tại Việt Nam thâm nhập vào thị trường khắt khe bậc nhất thế giới này, sau gạo ST 25. Thành công này có được nhờ vai trò to lớn từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, khi thương vụ đã phối hợp với các đối tác để quảng bá sản phẩm gạo, đồng thời tăng cường giới thiệu các nhà bán buôn gạo từ đất nước mặt trời mọc để phân phối gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, để ứng phó với sự phức tạp từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới trong thời gian tới, các thương vụ cần đẩy mạnh, phát huy vai trò là cánh tay nối dài giữa Chính phủ và doanh nghiệp. Để làm được điều này, các thương vụ cần tập trung nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; các đề án, chiến lược phát triển và quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời làm tốt chức năng là cầu nối giữa các hiệp hội doanh nghiệp trong nước với nước ngoài, trong các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đặc biệt, các thương vụ cũng cần tăng cường nắm bắt, đánh giá tình chính trị các nước để kịp thời phản ánh, báo cáo và đề xuất với Chính phủ, với Bộ Công Thương để có những phản ứng, chính sách phù hợp, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm tốt nhất hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, cần khuyến khích thương vụ phát huy vai trò nghiên cứu, cung cấp thông tin thị trường chiến lược, dự báo xu hướng để định hướng cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả các cơ hội kinh doanh quốc tế.
Hoàn thành được những điều trên, Thương vụ Việt Nam sẽ không chỉ đẩy mạnh vai trò là người đại diện của Bộ Công Thương, của Chính phủ, mà còn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Vai trò của các thương vụ cũng sẽ ngày càng được khẳng định, không chỉ trong việc thúc đẩy xuất khẩu, mà còn bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.