Để tận dụng thời cơ thì hành lang pháp lý phải thông

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật diễn ra vào sáng 17-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành phải nhanh chóng xây dựng quy định để tạo hành lang pháp lý cho các vấn đề chưa có hoặc vượt quy định, nhằm mở đường cho phát triển. Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra công tác hoàn thiện thể chế còn bất cập; nhiều nơi xảy ra tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm mà một trong những nguyên nhân là quy định chồng chéo và thực tiễn phát sinh mà pháp luật chưa có quy định.

Trước đó, vào ngày 29-9, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo nghị định này, ngay cả với cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Nghị định 73 ra đời là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, cho dù chủ trương của Đảng rất rõ ràng và cũng đã được thể hiện qua các nghị quyết, quyết định, đồng thời Chính phủ cũng nỗ lực để luật hóa chủ trương đó, nhưng tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm vẫn còn khá phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng phát triển của nền kinh tế.

Thực tế đó cho thấy, để cán bộ không còn sợ sai khi thực thi công vụ, phải nhanh chóng khắc phục tình trạng quy định, luật lệ chồng chéo và những phát sinh trong thực tế mà pháp luật chưa có quy định, để cán bộ công chức không phải “xé rào” mà vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc của người dân và doanh nghiệp.

Có lẽ đây là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra yêu cầu phải nhanh chóng xây dựng quy định để tạo hành lang pháp lý cho các vấn đề chưa có hoặc vượt quy định, nhằm mở đường cho phát triển.

Hơn nữa, việc có được hành lang pháp lý rõ ràng, thông suốt, nhất quán và không thể nhầm lẫn không chỉ là mong muốn của cán bộ công chức, mà cũng là ước mong của cả cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân. Vì chỉ có như vậy thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính mới tránh được rủi ro vi phạm pháp luật và yên tâm khi đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư. Yêu cầu này đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí còn quan trọng hơn. Vì sẽ chẳng mấy ai yên tâm khi bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đô la để đầu tư vào Việt Nam khi mà môi trường pháp lý còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, khiến cho các quy định của pháp luật trở nên không chắc chắn và khó tiên đoán.

Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn. Nhưng để có thể tận dụng được thời cơ ấy thì trước hết hành lang pháp lý phải thông suốt.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-tan-dung-thoi-co-thi-hanh-lang-phap-ly-phai-thong/