Để Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay

Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) các cấp đã đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai khảo sát về nhu cầu vốn vay mô hình kinh tế tập thể. Ảnh: V.GIA

Cán bộ Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai khảo sát về nhu cầu vốn vay mô hình kinh tế tập thể. Ảnh: V.GIA

Tuy nhiên, so với nhu cầu vay vốn rất lớn của các HTX và kinh tế tập thể thì nguồn vốn cho vay từ hệ thống quỹ của cả nước cũng còn hạn chế. Đối với Đồng Nai, hiện nay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX được tăng vốn, tạo điều kiện để triển khai cho vay thuận lợi hơn.

Năng lực về vốn vay còn hạn chế

Hiện nay, cả nước có 52 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, gồm 1 quỹ trung ương và 51 quỹ địa phương. Đối với Quỹ Trung ương, đến hết tháng 4-2024, đã ký hợp đồng cho vay trên 400 lượt HTX tại 55 tỉnh, thành phố với tổng số tiền 1,4 ngàn tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 1,2 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay 600 tỷ đồng. Các dự án vay vốn của HTX chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc (chiếm khoảng 70% tổng số dự án cho vay); thời hạn vay bình quân 4 năm/dự án.

Đối với 51 quỹ địa phương, tính đến hết năm 2023 có tổng vốn điều lệ được ngân sách cấp hơn 1,2 ngàn tỷ đồng; tổng vốn hoạt động 2,6 ngàn tỷ đồng. Doanh số cho vay đạt 22,6 ngàn tỷ đồng với gần 9 ngàn lượt HTX, 800 ngàn lượt tổ hợp tác, thành viên HTX, tổ hợp tác được vay. Các quỹ địa phương do liên minh HTX cấp tỉnh trực tiếp quản lý có chất lượng tín dụng cơ bản tốt, tự trang trải chi phí hoạt động và bảo toàn vốn điều lệ. Các quỹ ủy thác cho các tổ chức tài chính - tín dụng khác cho vay nhìn chung hoạt động kém hiệu quả, tỷ lệ giải ngân thấp, nợ quá hạn cao, HTX khó tiếp cận. Tổng hợp báo cáo từ địa phương cho thấy, các HTX, tổ hợp tác sau khi vay vốn doanh thu tăng 26,5%, lợi nhuận tăng 26,62%/năm; số thành viên kết nạp mới tăng 20%.

Mặc dù đạt được kết quả như trên song theo ông Phạm Công Bằng, Tổng giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam, nhu cầu vốn tín dụng để phát triển kinh tế tập thể là rất lớn, lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, năng lực của các quỹ mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, chỉ có khoảng 10% số HTX được vay vốn từ các quỹ. Trong bối cảnh khó tiếp cận vốn, xu hướng chung là nhiều HTX xã phải chấp nhận vay thị trường phi chính thức với lãi suất cao để có nguồn vốn thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh.

Cụ thể hơn, tổng vốn hoạt động của các quỹ trung ương và địa phương khoảng 3,6 ngàn tỷ đồng, trong đó Quỹ Trung ương và Quỹ Trợ vốn xã viên HTX Thành phố Hồ Chí Minh đã là 2,3 ngàn tỷ đồng. Vốn hoạt động của 50 quỹ còn lại chỉ đạt 1,3 ngàn tỷ đồng, quá nhỏ so với nhu cầu vốn tín dụng rất lớn của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn. Mặt khác, nhiều quỹ chưa thể triển khai cơ chế cho vay mới, chưa cho vay vốn lưu động và chưa cho vay đến thành viên tổ hợp tác, HTX, hạn chế hiệu quả hoạt động và khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn.

Đồng Nai tìm giải pháp phát huy hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ

Tại Đồng Nai, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã được hoàn tất công tác kiện toàn bộ máy cũng như bổ sung nguồn vốn hoạt động. Theo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển 5 năm, giai đoạn 2022-2026, tầm nhìn đến 2030 của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, Đồng Nai sẽ phấn đấu để nâng nguồn vốn dành cho quỹ trong các hoạt động.

Để đảm bảo đủ nguồn vốn, quỹ xây dựng lộ trình trình UBND tỉnh xem xét bổ sung vốn điều lệ hàng năm từ ngân sách trung bình 50-100 tỷ đồng/năm và bổ sung từ nguồn tích lũy khoảng 500 triệu đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2030, vốn điều lệ của quỹ đạt mốc 500 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định đề ra. Cùng với việc bổ sung nguồn vốn, công tác quản trị, tổ chức và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc hoạt động của quỹ cũng được chú trọng.

Đối với thực tế các địa phương trong tỉnh, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú, cho hay thời gian qua các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện hoạt động ổn định. Thông qua việc liên kết tiêu thụ; cung ứng dịch vụ, vật tư; đời sống của xã viên và hội viên nông dân ngày càng được nâng lên. Nhu cầu vay vốn của các HTX là rất lớn, tuy nhiên hầu hết các đơn vị đang thiếu các điều kiện đáp ứng, việc tiếp cận vốn ngân hàng và các quỹ gặp khó khăn. Các địa phương mong muốn Liên minh HTX Đồng Nai và quỹ có giải pháp cụ thể hơn, nhất là trong công tác tuyên truyền, phối hợp cấp cơ sở nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của HTX cũng như thành viên. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu chuẩn hóa các yêu cầu để có thể vay vốn.

Về vấn đề này, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Đồng Nai, cho biết riêng trong năm 2024, quỹ dự kiến giải ngân 60 tỷ đồng từ nay đến hết quý III và tiếp tục giải ngân thêm tối thiểu 9 tỷ đồng trong quý IV. Quỹ đang phối hợp với các địa phương để triển khai đánh giá nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2024; đăng ký trong năm 2025 và 2026 làm cơ sở để có các kế hoạch triển khai tiếp theo.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/de-quy-ho-tro-phat-trien-hop-tac-xa-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-cho-vay-2d537f2/