Đề nghị làm rõ thêm các điều kiện cần thiết cho việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài

Do còn ý kiến khác nhau về việc gia nhập và hoạt động trong tổ chức công đoàn của người nước ngoài, đại biểu Quốc hội đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo thêm về sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài và công tác dự báo tình hình, cách thức, giải pháp giải quyết nếu phát sinh các tình huống tiêu cực.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8, chiều 8/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 8, chiều 8/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bảo đảm tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế

Chiều 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (tỉnh Điện Biên) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật Công đoàn như Tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án luật, đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Điều 5), trong đó dự thảo luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1 quy định cả người lao động Việt Nam và người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở; phương án 2 quy định chỉ người lao động Việt Nam mới có quyền gia nhập công đoàn.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Cá nhân đại biểu thiên về phương án 1, cho phép người lao động nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam. Lý do theo đại biểu Nguyệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; là thành viên của là thành viên của 9/10 công ước quốc tế cơ bản về lao động.

Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc tôn trọng và thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, trong đó có nội dung cấm phân biệt đối xử trong lao động, quyền tự do hiệp hội và thương lượng.

Hiện nay, có gần 92 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, và theo khảo sát sơ bộ của Cục Việc làm, 53% người lao động là người nước ngoài có nhu cầu kết nạp vào Công đoàn Việt Nam; 68% người sử dụng lao động sẵn sàng với việc kết nạp người lao động nước ngoài vào Công đoàn Việt Nam.

Hiện có gần 92 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; 53% người lao động là người nước ngoài có nhu cầu kết nạp vào Công đoàn Việt Nam; 68% người sử dụng lao động sẵn sàng với việc kết nạp người lao động nước ngoài vào Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đề ra yêu cầu: “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.., thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định cho phép người lao động nói chung (được hiểu bao gồm cả người lao động là người nước ngoài) được quyền gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đồng thời tổ chức này có quyền gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Đại biểu Nguyệt cho rằng, nếu chúng ta không cho phép người lao động nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam thì người lao động nước ngoài cũng sẽ tham gia và hoạt động tại tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Như vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tác động tới tình hình an ninh, trật tự như việc cho phép người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn.

Ngoài ra, hiện nay, việc thu kinh phí công đoàn (2%) do người sử dụng lao động đóng đã bao gồm cả quỹ lương của người lao động là người nước ngoài. Như vậy, theo đại biểu, phương án cho phép người lao động nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với bối cảnh, nhu cầu thực tiễn của người lao động nước ngoài tại Việt Nam và bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng phân tích, đây là vấn đề lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính độc lập, tự chủ của công đoàn và vấn đề an ninh, trật tự.

Mặc dù dự thảo luật cũng đã có các điều khoản quy định điều kiện gia nhập cũng như quy định người lao động là công dân nước ngoài chỉ được hoạt động tại công đoàn cơ sở, không được tham gia làm cán bộ công đoàn… để hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra nhưng để có thêm cơ sở, căn cứ giúp đại biểu Quốc hội đưa ra quyết định phù hợp nhất, đại biểu Nguyệt đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo thêm về sự chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài; công tác dự báo tình hình, cách thức, giải pháp giải quyết nếu xảy ra các tình huống tiêu cực phát sinh khi cho phép người lao động nước ngoài được gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Phân tích thêm về vấn đề này, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho biết, hiện đang còn ý kiến khác nhau khi cho phép người lao động là người nước ngoài gia nhập và hoạt động trong tổ chức công đoàn do lo ngại những yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự.

Đây là những vấn đề đã có nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng khi xem xét tham gia các FTA thế hệ mới, cũng như các công ước quốc tế về lao động. Luật cũng quy định cho phép người lao động là người nước ngoài được quyền gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cũng có quyền gia nhập hệ thống công đoàn Việt Nam, như vậy quy định gián tiếp mở ra khả năng cho phép người lao động nước ngoài gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu thảo luận tại Tổ 5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) phát biểu thảo luận tại Tổ 5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Điều này cùng phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Ngoài ra, khi cho phép người nước ngoài được tham gia công đoàn, các tổ chức công đoàn sẽ có điều kiện quản lý, tuyên truyền, vận động, giáo dục, góp phần hạn chế được việc thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khác mang tính tự phát.

Cần đánh giá kỹ quyền gia nhập công đoàn của lao động nước ngoài

Về quyền gia nhập công đoàn của người lao động nước ngoài tại Điều 5, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là nội dung rất mới bổ sung trong dự thảo luật lần này.

Luật Công đoàn năm 2012 đã bàn vấn đề này nhưng thời điểm đó vấn đề này chưa chín, chưa rõ nên không đưa vào. Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị nội dung này cần đánh giá kỹ lưỡng mặt được và không được.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. (Ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng đặt câu hỏi công đoàn đưa vấn đề này đã tham khảo bản thân người lao động nước ngoài chưa, họ có muốn tham gia không? Bộ trưởng cho biết hiện chưa thấy đánh giá về nội dung này.

"Nếu như chúng ta tạo điều kiện, để người nước ngoài tham gia, khi công đoàn có thành viên là người nước ngoài trong trường hợp thêm các quyền liên kết xử lý như thế nào?", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị xã hội, không phải tổ chức xã hội đơn thuần. Khi người nước ngoài tham gia thành viên của công đoàn sẽ có quyền, nghĩa vụ tuân thủ luật và điều lệ công đoàn.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cũng khẳng định, đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, quan trọng nên cần đánh giá kỹ lưỡng về tác động, đặc biệt liên quan an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Về việc gia nhập công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, vấn đề này được nêu tại Hội nghị Trung ương 6, Bộ luật Lao động đã quy định. Vì vậy, việc đưa nội dung này vào dự luật có cơ sở, bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật, đặc biệt Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, chúng ta chưa cho phát triển tổ chức lao động khác ngoài công đoàn ở doanh nghiệp. Thời gian tới, khi có nghị định về tổ chức đại diện của người lao động ra đời thì chắc chắn là trong một doanh nghiệp, có thể không chỉ công đoàn mà có thể có các tổ chức khác.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các tổ chức khác tham gia vào tổ chức công đoàn và chịu sự điều phối, lãnh đạo của tổ chức công đoàn là tốt, điều này thực hiện đúng tinh thần của Bộ Chính trị, của Hội nghị Trung ương 6 nhằm thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia công đoàn. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị phân tích ưu nhược điểm từng phương án cho đầy đủ, toàn diện hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-nghi-lam-ro-them-cac-dieu-kien-can-thiet-cho-viec-gia-nhap-va-hoat-dong-cong-doan-cua-nguoi-nuoc-ngoai-post813393.html