Để kinh tế Đồng Nai đạt mức tăng trưởng cao
Năm 2025, Đồng Nai đặt ra mục tiêu kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024. Đây là mục tiêu quan trọng nhất của tỉnh trong năm nay. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, năm 2025, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 10%, thay vì 7,5-8% như đề xuất trước đây.
Trong điều kiện Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các cực tăng trưởng kinh tế còn trong giai đoạn xây dựng thì đạt mức tăng trưởng trên sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các ngành, các cấp cùng nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm thì Đồng Nai có thể đạt mục tiêu trên.
Năm 2024, tuy tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều khó khăn nhưng Đồng Nai vẫn cố gắng đạt mức tăng trưởng kinh tế 8,02%, cao hơn mục tiêu của tỉnh và bình quân chung của cả nước hơn 1%. Năm nay, dù vẫn còn những “lực cản” nhưng Đồng Nai sẽ tập trung cho những nhiệm vụ chính để kinh tế có những bước tăng trưởng cao. Cụ thể, tỉnh sẽ ưu tiên triển khai các giải pháp cho tăng trường kinh tế; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, các dự án có tính liên vùng. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện tốt tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai có công nghiệp phát triển, chiếm tỷ lệ gần 60% trong cơ cấu kinh tế, nên tỉnh cần chú trọng hơn đến việc kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động. Tỉnh có giải pháp để đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và triển khai các dự án.
Đồng Nai hiện có nhiều các dự án trên các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, thương mại dịch vụ, du lịch, logistics... nhưng vì vướng các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng nên triển khai rất chậm. Điều này tác động không nhỏ đến phát triển, tăng trưởng kinh tế. Nếu các dự án sớm được tháo gỡ các “điểm nghẽn” để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án, sớm đưa vào khai thác sẽ tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, vùng Đông Nam Bộ.