Để có cuộc sinh nở an toàn

Khi có các dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để sinh nở, tránh các tai biến rủi ro có thể xảy ra cho cả mẹ và con.

Sinh con ở cơ sở y tế để ngừa tử vong mẹ và con

Vì nguy cơ tử vong mẹ là cao nhất ngay sau khi sinh và trong vòng 24-48 giờ sau khi sinh, nên sự có mặt của nhân viên y tế (NVYT) có trình độ chuyên môn trong khi sinh là một can thiệp quan trọng để ngăn ngừa tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh.

Đỡ đẻ an toàn đòi hỏi một người đỡ đẻ đã được đào tạo về chuyên môn (nữ hộ sinh, bác sĩ hoặc điều dưỡng), một môi trường thuận lợi (đầy đủ thuốc, thiết bị, hệ thống chuyển tuyến và chính sách) và sự chấp nhận của cộng đồng đối với các dịch vụ chăm sóc thai sản.

Cơ sở y tế là nơi tốt nhất để sinh con.

Cơ sở y tế là nơi tốt nhất để sinh con.

So sánh các kết quả nghiên cứu với ước tính quốc gia cho thấy sự khác biệt lớn trong tỷ lệ các ca sinh tại các cơ sở y tế (CSYT). Nhìn chung, 58% phụ nữ đã sinh con cuối cùng tại nhà, trong khi 41% sinh con cuối cùng tại một CSYT (so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 94%). Ngược lại với việc khám thai trước khi sinh, bệnh viện huyện là địa điểm phổ biến nhất đối với các ca sinh tại CSYT. Trong số tất cả những người phụ nữ đã sinh tại các CSYT, 64% sinh tại bệnh viện huyện, so với 30% sinh tại trạm y tế xã (TYTX). Mặc dù tỷ lệ phụ nữ sử dụng dịch vụ khám thai tại các CSYT tư nhân tương đối cao nhưng tỷ lệ phụ nữ đẻ tại các CSYT tư nhân chưa đến 1%.

Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ tới khám thai tại các TYTX cao hơn nhiều so với tỷ lệ đẻ tại các TYTX (37% so với 13%). Các ca đẻ tại các bệnh viện và TYTX đều đã được bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng người dân vẫn phải trả các chi phí gián tiếp. Kết quả cho thấy chi phí trung bình cho các ca sinh tại TYTX là 450.000 đồng và chi phí trung bình cho các ca sinh tại bệnh viện huyện là 2.860.000 đồng. Ngược lại, chi phí sinh tại nhà có giá trung bình là 225.000 đồng.

So sánh các kết quả nghiên cứu với ước tính quốc gia cho thấy khoảng trống lớn về tỷ lệ sinh có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đã được đào tạo chuyên môn. Nhìn chung, 49% phụ nữ cho biết lần sinh cuối cùng của họ có cán bộ y tế có trình độ chuyên môn hỗ trợ (so với tỷ lệ trung bình toàn quốc là 94%). Đa số các ca sinh có hỗ trợ của NVYT đã được đào tạo chuyên môn đều được thực hiện tại các CSYT. Chỉ có 7% các ca đẻ tại nhà có nhân viên y tế đã được đào tạo chuyên môn tới hỗ trợ. Trong số những phụ nữ được NVYT đã được đào tạo chuyên môn hỗ trợ khi sinh, đa số (86%) cho biết rằng họ đươc nữ hộ sinh, bác sĩ hoặc điều dưỡng hỗ trợ hỗ trợ trong lúc sinh, chỉ có một vài ca sinh được cô đỡ thôn bản người DTTS tại thôn bản hỗ trợ.

Các cuộc phỏng vấn định tính với các NVYT ở Kon Tum cho thấy các phụ nữ DTTS thường thích chọn các CĐTB người DTTS hơn là nam bác sĩ, và họ cũng cho rằng các cô đỡ thôn bản người DTTS có kiến thức và kỹ năng sản khoa tốt hơn so với những người thân và các nhân viên y tế thôn bản

Để có cuộc sinh nở an toàn

Theo cuốn Thông điệp truyền thông về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh do Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc ban hành năm 2022, tất cả phụ nữ mang thai cần sinh con tại cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.

Khi người phụ nữ mang thai có dấu hiệu chuyển dạ cần được đưa ngay đến ngay cơ sở y tế để sinh đẻ đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Nếu không thể đến được cơ sở y tế thì gia đình cần nhanh chóng mời cán bộ của trạm y tế xã hoặc cô đỡ thôn bản đến đỡ đẻ. Trong cuộc đẻ, bà mẹ cần yên tâm, tin tưởng và làm theo hướng dẫn của cán bộ y tế để cuộc đẻ dễ dàng hơn.

Không được dùng các dụng cụ chưa được tiệt trùng để cắt rốn hoặc buộc cuống rốn cho trẻ. Khi phát hiện thấy một trong các dấu hiệu nguy hiểm thì cần chuyển ngay sản phụ đến cơ sở y tế gần nhất. Người chồng và gia đình cần chăm sóc giúp đỡ bà mẹ yên tâm khi sinh con.

Các dấu hiệu của cuộc chuyển dạ là: đau bụng từng cơn tăng dần, ra dịch hồng hoặc ra nước ở âm đạo. Khi phụ nữ mang thai có một trong các dấu hiệu chuyển dạ thì cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để sinh đẻ. Nếu không thể đến đẻ tại cơ sở y tế thì cần mời cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn, bản đến hỗ trợ, đồng thời chuẩn bị nơi đẻ sạch sẽ, gói đỡ đẻ sạch, các dụng cụ cần thiết cho cuộc đẻ; chuẩn bị sẵn tiền và các phương tiện để chuyển bà mẹ và trẻ sơ sinh đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.

Nếu đẻ tại nhà thì cần dùng gói đỡ đẻ sạch và có sự giúp đỡ của người đã được đào tạo về đỡ đẻ như cán bộ y tế, cô đỡ thôn, bản. Cần động viên tinh thần cho bà mẹ và theo dõi trong suốt cuộc đẻ.

Để có cuộc sinh nở an toàn, thai phụ cần được người thân trợ giúp nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Để có cuộc sinh nở an toàn, thai phụ cần được người thân trợ giúp nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Các dấu hiệu nguy hiểm trong khi chuyển dạ và trong khi sinh gồm: Đau quá 8 giờ mà chưa đẻ. Đau quá mức chịu đựng của bà mẹ. Khi đẻ đầu thai nhi không ra trước mà tay hoặc chân lại ra trước. Dây rau (dây rốn) ra mà thai nhi chưa ra. Ra máu trên 50 ml (khoảng 1 ly trà). Nước ối màu xanh, nâu bẩn hoặc vàng. Sau khi sinh 30 phút mà rau thai chưa ra. Khi rau thai chưa ra mà chảy máu nhiều. Đau đầu, mắt mờ hoặc ngất xỉu, sốt.

Người chồng và người trong gia đình chăm sóc, giúp đỡ bà mẹ khi sinh đẻ: Đưa bà mẹ đến cơ sở y tế sinh đẻ để được an toàn. Trường hợp không thể đến đẻ tại cơ sở y tế thì cần mời cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn, bản đến hỗ trợ bà mẹ đẻ tại nhà. Biết các dấu hiệu nguy hiểm của bà mẹ khi chuyển dạ và khi sinh để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Động viên để bà mẹ bớt lo âu, thoải mái và yên tâm vượt qua cuộc đẻ an toàn.

Chăm sóc bà mẹ sau sinh bằng cách giúp đỡ bà mẹ đặt trẻ da kề da với mẹ trong vòng 90 phút đầu sau sinh và cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.

Sau khi sinh, bà mẹ cần được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc. Trong ngày đầu, cần vệ sinh sạch sẽ vùng sinh dục, thay băng vệ sinh và theo dõi phát hiện dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh. Nếu có bất cứ dấu hiệu nào thì báo ngay cho cán bộ y tế hoặc đưa ngay bà mẹ đến cơ sở y tế.

Đưa ngay bà mẹ sau sinh đến cơ sở y tế khi thấy có dấu hiệu nguy hiểm để được cứu chữa kịp thời. Đừng vì sợ dịch bệnh mà chậm đưa bà mẹ đến cơ sở y tế vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trong thời kỳ thời kỳ sau sinh (42 ngày, tương đương 6 tuần sau sinh), bà mẹ cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý (đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), uống đủ nước, uống viên sắt, vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Ngay khi kết thúc thời kỳ sau sinh, nếu đã có quan hệ tình dục trở lại, bà mẹ và người chồng cần áp dụng biện pháp tránh thai thích hợp để phòng mang thai ngoài ý muốn. Người chồng và gia đình cần quan tâm chăm sóc bà mẹ sau sinh, động viên tinh thần, làm bớt công việc để bà mẹ phục hồi sức khỏe và đủ sữa cho con bú.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/de-co-cuoc-sinh-no-an-toan-169221103163719351.htm