Đề cao trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp muốn 'phủ xanh' Việt Nam

Đề cao trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp Việt Nam hoàn thành cam kết tại COP26.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó nổi bật là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hỗ trợ Chính phủ đạt được cam kết trên, chia sẻ tại Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" mới đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đã chuyển đổi mô hình phát triển từ nâu sang xanh, nhằm “phủ xanh” Việt Nam bằng những hành động thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc Công ty CP Én Vàng Quốc tế

Ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT, kiêm giám đốc Công ty CP Én Vàng Quốc tế

Điển hình trong số đó là Công ty CP Én Vàng Quốc tế. Ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc công ty cho biết: Doanh nghiệp có kinh nghiệm hơn 20 năm làm vận tải ở TP. Hải Phòng, nhưng luôn trăn trở tìm một phương tiện kinh doanh mang lại hiệu quả, đóng góp một phần cho cộng đồng. COP 26 ra đời là cơ hội và bước ngoặt lớn, các cổ đông của Công ty CP Én Vàng Quốc tế quyết định từ năm 2024 không đầu tư xe xăng, chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Định cho rằng, không chỉ vận hành an toàn, hiệu quả, chi phí rẻ hơn xăng 20-30%, chi phí bảo hành bảo trì cũng rẻ hơn. Việc kí kết hợp tác với VinFast như “cánh tay nối dài” đưa xe điện đến với nhiều khách hàng, doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu giảm các chi phí khác để đi xe điện tiết kiệm hơn so với đi xe xăng.

“TP. Hải Phòng luôn vận động doanh nghiệp phát triển xanh, nhưng chưa có hỗ trợ, tuy vậy doanh nghiệp cố gắng lấy giá cước xe điện như xe xăng, hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi để tiến tới hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” – ông Nguyễn Văn Định thông tin.

Ông Nguyễn Giang Nam - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài trợ dự án BCG Energy cho rằng: Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới Net Zero, trong quá trình này, phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu. Dự kiến, để đạt được Net Zero, năng lượng tái tạo phải chiếm tới trên 70% nguồn cung ứng điện cho xã hội. Theo đó, chúng tôi đang đi đúng định hướng của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu bền vững.

Ông Nguyễn Giang Nam - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài trợ dự án BCG Energy

Ông Nguyễn Giang Nam - Phó Tổng giám đốc phụ trách tài trợ dự án BCG Energy

Cụ thể, cuối năm 2023 BCG đã M&A (mua bán và sáp nhập) với Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa – đơn vị đã được cấp phép đầu tư xử lý tồn đọng rác thải sinh hoạt, từ đó tạo ra nguồn năng lượng sạch. Hiện Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang. Trước đó, trong tháng 8/2023, BCG cũng ký kết hợp tác với 1 công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á.

“Chúng tôi muốn minh bạch lượng phát thải của tập đoàn, các công ty thành viên, bởi việc thực thi ESG trong thực tế vận hành của doanh nghiệp tạo ra uy tín với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua việc này chúng tôi đã thu hút được khoảng 60 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cũng như có được niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Có thể nói, có nhiều lợi ích mà tập đoàn đã nhận được từ việc thực hành ESG” – ông Nguyễn Giang Nam khẳng định.

Cũng đóng góp vào hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc GSM toàn cầu Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Xanh SM cho biết: Ngay từ đầu chúng tôi đã định vị thương hiệu của mình là "xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh, việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ Việt Nam khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26. Mong muốn của Xanh SM là tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng và đối tác, do đó sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã có hơn 33 đối tác, 50.000 phương tiện điện hiện diện trên 40 tỉnh thành, giảm hơn 52.000 tấn CO2.

“Xanh SM là nền tảng cung cấp phức hợp 100% thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi phấn đấu phủ xanh Việt Nam cả nghĩa đen và nghĩa bóng” – ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định và cho biết: Xanh SM nỗ lực có mặt tại trên 60 tỉnh, thành phố trong năm 2024, góp phần giảm hơn 52.000 tấn CO2, tương đương 860 ha rừng trồng 2,6 triệu cây xanh quang hợp hấp thụ trong vòng 1 năm, đây là tính toán dựa trên tổng số km Xanh SM đi và quy đổi sang số cây xanh do một bên độc lập tiến hành.

Đặc biệt, không chỉ phát triển tại thị trường Việt Nam, hiện Xanh SM còn đặt mục tiêu có mặt tại 7 quốc gia và hiện đã khai trương tại Lào và chuẩn bị có mặt tại Indonesia trong năm 2024.

Trên thực tế, giao thông xanh là xu hướng tất yếu không thể đi ngược được. Quyết định số 896/QĐ-TTg của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 cũng đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 có 50% phương tiện giao thông công cộng là xe điện và đến năm 2050 có 100% phương tiện giao thông là xe điện.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng xanh, hướng đến thịnh vượng kinh tế, bền vững môi trường không chỉ là lựa chọn tất yếu mà là để bắt kịp xu thế thế giới, nhằm thực hiện cam kết mang tính bước ngoặt lịch sử là đưa phát thải ròng về 0 năm 2050. Để đạt được cam kết đó, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-cao-trach-nhiem-xa-hoi-nhieu-doanh-nghiep-muon-phu-xanh-viet-nam-322427.html