ĐBQH: Trao quyền tuyển dụng chắc chắn ngành Giáo dục sẽ tuyển đủ, tuyển đúng

Thực tế hiện nay, cơ sở giáo dục là đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo lại không có thẩm quyền tuyển dụng để kịp thời bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu.

Theo chia sẻ từ một số đại biểu quốc hội, đề xuất trao quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành giáo dục tại Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội cho ý kiến là rất cần thiết và đúng đắn trước bối cảnh nước ta đang thừa thiếu giáo viên cục bộ tại nhiều địa phương như hiện nay.

Cụ thể, khoản 2, Điều 16 của Dự thảo nêu rõ về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo như sau: "Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng; Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập do cơ sở giáo dục chủ trì tuyển dụng theo quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.

Thuận lợi điều động giáo viên từ nơi "thừa" sang nơi "thiếu"

Trước điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang bày tỏ, nội dung thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo tại Dự thảo Luật Nhà giáo nhằm hướng tới việc phát triển ngành Giáo dục, trong đó mục tiêu sâu xa là làm sao nâng cao được chất lượng đội ngũ nhà giáo. Bởi, đây là nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục của Việt Nam. Muốn nâng cao được chất lượng, chúng ta cần cởi trói cho những bất cập hiện tại của ngành Giáo dục.

 Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Đại biểu Châu Quỳnh Dao thông tin, trong những kỳ họp Quốc hội thời gian qua, không ít đại biểu đã nhắc đến vấn đề thiếu giáo viên. Trên thực tế, việc tinh giản 10% biên chế đối với ngành Giáo dục đã là điều rất bất cập và dù có bổ sung biên chế thì việc tháo gỡ cũng không phải dễ dàng.

Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông, nhất là giáo viên dạy những môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới như Âm nhạc, Tin học, Mỹ thuật, … Không những vậy, việc dạy tích hợp cũng dẫn một số bộ môn lại thừa giáo viên.

Việc thiếu thừa cục bộ giáo viên khiến một số địa phương rất khó khăn để tháo gỡ bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố và không thể khắc phục một sớm một chiều được. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề tuyển dụng nhà giáo.

Theo Đại biểu Châu Quỳnh Dao, từ trước đến nay ngành Giáo dục rất bị động trong việc tuyển dụng giáo viên bởi vấn đề này do ngành Nội vụ chủ trì.

Hơn nữa, vấn đề quản lý giáo dục không phải chỉ do mỗi ngành Giáo dục mà còn theo vùng (Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý con người, Phòng Giáo dục và Đạo tạo nơi đó). Do đó, việc điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng rất khó khăn. Cả nước hiện có trên 700 đơn vị hành chính cấp huyện/thị mà mỗi huyện/thị lại có những đặc thù và mối lo thiết yếu khác nhau, dành sự ưu tiên cho lĩnh vực khác nhau, khó có thể đồng bộ về việc tuyển dụng nhà giáo được.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, việc giao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục sẽ góp phần khắc phục những khó khăn nêu trên. Từ đó, giúp các cơ sở giáo dục “tuyển đủ”, tức tuyển dụng được số giáo viên kịp thời đáp ứng những vị trí đang thiếu, tránh việc phải chờ đợi gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Bởi học sinh học theo thời lượng phân phối chương trình, chúng ta không thể khi thiếu giáo viên bắt học sinh dừng lại đến khi có giáo viên mới tiếp tục học được.

Bên cạnh đó, được chủ động tuyển dụng nhà giáo cũng giúp ngành Giáo dục “tuyển đúng”, tức tuyển dụng đúng người có những phẩm chất, tiêu chuẩn của một nhà giáo, phù hợp với cách giảng dạy của mỗi cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, Điều 21 về Điều động nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập tại Dự thảo Luật Nhà giáo đã nêu rõ “Điều động nhà giáo là việc cấp có thẩm quyền chuyển nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập này sang cơ sở giáo dục công lập khác hoặc chuyển nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục. Thẩm quyền điều động do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu thực hiện hoặc thực hiện theo phân cấp, ủy quyền".

Nếu đề xuất này được thực thi cũng giúp chúng ta thuận lợi hơn trong việc điều phối giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, tránh xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ như hiện nay.

“Chúng ta phải làm sao để tạo thuận lợi nhất có thể trong tuyển dụng nhà giáo, từ đó giúp cho ngành Giáo dục ngày càng phát triển, khắc phục được những hạn chế, bất cập, nhất là đối với những vùng khó khăn”, Đại biểu Châu Quỳnh Dao chia sẻ.

Khó khăn khi đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo lại không có thẩm quyền tuyển dụng

Cùng bàn về điểm mới trên, Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh bày tỏ, thực tế hiện nay có sự giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ đã tạo ra những bất cập nhất định công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với cấp học mầm non, phổ thông và các đơn vị chưa tự chủ. Đáng nói, cơ sở giáo dục là đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo lại không có thẩm quyền tuyển dụng để kịp thời bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Hà, hiện nay, cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái… nhà giáo để giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ nhà giáo trên địa bàn quản lý, đặc biệt là đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều môn học mới khiến nhiều quận/huyện trong một tỉnh, không đáp ứng được nhu cầu người làm việc trước mỗi năm học…. Một trong những lý do của vấn đề này là việc tuyển dụng giáo viên chưa phân cấp phân quyền cho ngành Giáo dục.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội).

Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu chung của đơn vị sự nghiệp công lập gây khó khăn đối ngành Giáo dục vì đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo là dạy học và giáo dục theo cấp học, theo môn học. Chính điều này dẫn tới khó khăn trong bố trí, sắp xếp giáo viên theo định mức.

Chính vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần nghiên cứu lại công tác quản lý nhà nước đối với nhà giáo để đảm bảo việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo. Bởi, để giúp ngành Giáo dục nói chung và các nhà trường nói riêng đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, đội ngũ giảng dạy, cần giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Đồng thời, giao các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quản lý nhà nước về nhà giáo; Cơ quan chuyên môn chủ trì, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà giáo theo quy định của Luật Nhà giáo gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dbqh-trao-quyen-tuyen-dung-chac-chan-nganh-giao-duc-se-tuyen-du-tuyen-dung-post246961.gd