ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: BẢO ĐẢM TỐT NHẤT QUYỀN LỢI LÂU DÀI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Cho ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng các phương án quy định về rút bảo hiểm xã hội một lần đều có những ưu nhược điểm nhất định, chưa có độ chín. Do đó, đề nghị cần lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong thời gian qua của người lao động, đặc biệt là những lực lượng lao động yếu thế, cần có điểm tựa để đảm bảo cuộc sống về lâu về dài của bản thân mình, của gia đình, của người thân và đóng góp bảo đảm an sinh xã hội cho cả đất nước. Do đó, để hoàn thiện dự thảo Luật cần có sự tham gia đóng góp của các đại biểu Quốc hội để thể hiện trách nhiệm, hơn cả là trách nghiệm của bản thân, của cơ quan, đơn vị chính là trách nhiệm đối với người dân.

Về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho rằng, các phương án đề xuất quy định hiện nay đều có những ưu nhược điểm nhất định, chưa có độ chín. Do đó, đại biểu đề nghị cần lấy ý kiến của người lao động, đối tượng chịu sự tác động; nhấn mạnh dù lựa chọn phương án nào cũng đều dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết thực tế, một bộ phận người lao động cho rằng, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền của người lao động. Điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng bởi trong tổng số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội hiện hành thì số tiền mà người sử dụng lao động đóng chiếm tới 2/3, còn người lao động chiếm 1/3, trong 2/3 này là 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Như vậy là đã thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người lao động. Vì vậy người lao động cũng cần có trách nhiệm lại đối với xã hội để tránh tình trạng như hiện nay là khi còn trẻ, còn khỏe, còn đủ sức lao động cần tạo thu nhập thì lại sử dụng hết phần tích lũy thông qua đóng bảo hiểm xã hội, đến khi về già trắng tay lại trở thành gánh nặng cho xã hội, cho con cháu, cho người thân.

Thực tế trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, từ số liệu người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đang tăng đột biến. Năm 2022 là 8.400, năm 2023 là 12.700 và đến 3 tháng đầu năm 2024 đã là 2.100. Bên cạnh đó thì tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, cắt giảm lao động khá lớn, người lao động cũng lo ngại. Tâm lý của người lao động hiện vẫn còn một bộ phận không ổn định khi nghe việc điều chỉnh sửa Luật Bảo hiểm xã hội và cũng sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần từ năm 2025.

Qua phân tích, đối chiếu, đại biểu Nguyễn Thị Sửu bày tỏ nghiêng về phương án 1. Phương án này quy định theo hướng người lao động được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 01/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng phương án này sẽ giúp cho người lao động ổn định tâm lý, bảo lưu lại quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan bảo hiểm xã hội, người lao động có điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để được tích lũy cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội và sau này sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội lâu dài, đặc biệt là chế độ hưu trí và tử tuất, bảo hiểm y tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Góp ý vào quy định hành vi bị nghiêm cấm ở khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm cả với tiền đóng, không chỉ tiền hưởng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm chiếm dụng đối với cả loại hình bảo hiểm thất nghiệp, không chỉ đối với loại hình bảo hiểm xã hội.

Đại biểu cho biết, thực tế, tại các đơn vị sử dụng lao động vẫn trích, trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương, trong khi lại chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Điều này diễn ra khá phổ biến. Một trong những lý do đình công hay kiến nghị của người lao động cũng từ những việc không đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong đó có việc không đảm bảo quyền lợi cho việc đóng các loại hình bảo hiểm.

Về đôn đốc thực hiện trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 34, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị bổ sung 1 khoản quy định cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ thông tin tình hình đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến phải thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đơn vị mình. Quy định này nhằm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan chức năng và cũng sẽ tạo được cơ chế kiểm soát hoàn chỉnh của các loại hình bảo hiểm. Điều này cũng từ thực tế xảy ra khi có kiến nghị từ cơ quan bảo hiểm xã hội, không có bước xử lý tiếp theo bởi các cơ quan quản lý nhà nước hoặc bởi các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát các đơn vị dưới quyền của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, các loại bảo hiểm cho người lao động, cho nhân viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 39, đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản quy định: “không xét tham dự đấu thầu các công trình, dự án do ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội nhưng chậm đóng kéo dài để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật do Nhà nước quy định”.

Đồng thời, cũng tại Điều 39, trong khoản 2 về xử lý hành chính, đại biểu đề nghị cần phải nâng cấp chế tài xử lý lên truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Vì Điều 216 của Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh chậm đóng bảo hiểm xã hội. Trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay chưa có quy định về việc xử lý hình sự đối với tội danh chậm đóng bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung cho đồng bộ, thống nhất./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=85801