ĐBQH Lâm Đồng K' Nhiễu góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo:

Ngày 13/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tại phiên họp

Dự thảo Luật lần này gồm 8 chương, 83 điều – tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 – do có sự bổ sung nội dung liên quan đến đổi mới sáng tạo và điều chỉnh lại cấu trúc toàn bộ văn bản. Luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

ĐỀ XUẤT MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, LÀM RÕ NỘI HÀM “ĐỔI MỚI SÁNG TẠO”

Góp ý vào Dự thảo, đại biểu K’ Nhiễu - Đoàn Lâm Đồng đề nghị bổ sung cụm từ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” vào Điều 2 nhằm làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý trong việc tổ chức, điều phối và triển khai các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về phần giải thích từ ngữ tại Điều 3, đại biểu đề xuất sửa đổi định nghĩa “đổi mới sáng tạo” theo hướng bao gồm cả yếu tố phi công nghệ. Theo ông, đổi mới sáng tạo không chỉ đến từ công nghệ mà còn từ mô hình kinh doanh mới, cơ cấu tổ chức, quản trị, chính sách hay phương pháp tiếp cận thị trường.

“Nhiều sáng kiến trong lĩnh vực hành chính công, văn hóa – xã hội hiện nay không sử dụng công nghệ nhưng vẫn mang lại giá trị cao. Nếu hiểu đổi mới sáng tạo chỉ gắn với công nghệ sẽ hạn chế đối tượng được hưởng lợi từ chính sách,” đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đề xuất sửa đổi Khoản 3 như sau: “Đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, phương thức quản lý hoặc hoạt động dựa trên công nghệ hoặc các yếu tố phi công nghệ như tổ chức, nhân sự, chiến lược tiếp cận nhằm nâng cao hiệu suất, giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế – xã hội và chất lượng cuộc sống”.

Tương tự, tại Khoản 13 về “khởi nghiệp sáng tạo”, đề nghị bổ sung nội dung: “bao gồm cả mô hình kinh doanh chưa từng có trên thị trường Việt Nam” nhằm làm rõ tính sáng tạo và khác biệt.

QUAN TÂM ĐẾN CƠ CHẾ XỬ LÝ TÀI SẢN SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Liên quan đến Điều 25 về xử lý tài sản được trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng khái niệm “tài sản trang bị” còn mơ hồ, thiếu cơ chế giám sát việc giao tài sản để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, ngăn ngừa lạm dụng, chuyển nhượng trái phép.

Đặc biệt, đại biểu K' Nhiễu kiến nghị bổ sung các quy định về bảo trì, bảo dưỡng tài sản nghiên cứu có giá trị cao, đồng thời đề xuất có các chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng sai mục đích, như phạt hành chính, thu hồi tài sản, hoặc cấm tham gia các dự án mới.

Đại biểu K’ Nhiễu cũng bày tỏ băn khoăn khi có tới 43/83 điều trong Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết – chiếm hơn 50%. Theo đại biểu, việc này tuy phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có thể gây khó khăn cho quá trình giám sát và triển khai thực tế.

Việc giám sát của Quốc hội và cử tri có thể gặp khó khăn, do nhiều nội dung cụ thể, chưa được quy định trực tiếp trong luật. Có thể phát sinh sự thiếu thống nhất trong thực thi, nếu thiếu hướng dẫn kịp thời và rõ ràng, ảnh hưởng đến tính minh bạch trong chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quá trình đưa luật vào cuộc sống có thể chậm hơn dự kiến, do cần thời gian ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn, như đã từng xảy ra đối với một số luật trong thời gian quan.

NGUYỆT THU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202505/dbqh-lam-dong-k-nhieu-gop-y-du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-1281681/