ĐBQH: Dự án, công trình 'đắp chiếu' làm lãng phí niềm tin của nhân dân
Ngoài lãng phí về nguồn lực xã hội, tài chính, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng các công trình 'đắp chiếu' còn làm lãng phí niềm tin của nhân dân.
Sáng 4/11, thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) nêu vấn đề lãng phí và đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp thật sự hiệu quả để phát huy hết tiềm lực của xã hội, của nền kinh tế, đưa đất nước đi lên.
Ông Thông cho rằng, đây là nội dung không mới vì hàng năm Quốc hội đều thảo luận đánh giá về công tác này, lãng phí luôn mang tính thời sự, là lực cản của sự phát triển đất nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”.
"Tôi xin đề cập vấn đề lãng phí ở đây là lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các dự án "trùm mền", công trình "đắp chiếu" hiện nay. Có thể chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ, chính xác về sự lãng phí trên nhưng theo tôi nghĩ con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đó là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí, hệ lụy xoay quanh nó như lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết và trên hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân", đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh.
Ông Thông lấy ví dụ về các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, hay hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang "trơ gan cùng tuế nguyệt", các công trình, dự án xây dựng hàng chục năm chưa xong…
Vấn đề lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội vẫn là một thách thức lớn cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả để phát huy tối đa tiềm lực của đất nước.
Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay ví dụ như: Các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án, các dự án chậm triển khai do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ…để đề xuất tháo gỡ.
Qua đó, có thể ban hành các cơ chế đặc thù, thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở một số địa phương cụ thể để triển khai đánh giá và nhân rộng, nhằm phát huy nguồn lực xã hội phát triển đất nước như bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm có nêu: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.