Dạy thêm học thêm: Không 'đánh trống bỏ dùi', trả lại tuổi thơ cho học sinh

Chiều 28/3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD-ĐT về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp và thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm học thêm sau 1,5 tháng đi vào cuộc sống.

Về đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT hiện hành cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Cấp độ tư duy là 40% mức độ biết, 30% mức hiểu và 30% mức vận dụng, tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng với thực tế, thực tiễn, đặc biệt với những nội dung phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Theo đó, những điểm mới này, đặt yêu cầu thầy cô cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học. Tự chủ, tự học cũng là một trong ba năng lực chung quan trọng được nêu trong Chương trình GDPT 2018.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Về việc thực hiện Thông tư 29 sau hơn một tháng đi vào cuộc cống, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông ( Bộ GD-ĐT) cho biết, các cơ sở giáo dục được kiểm tra và các ý kiến trực tiếp của giáo viên, cán bộ quản lí, cha mẹ học sinh ghi nhận tại các buổi làm việc với Bộ GD-ĐT đều khẳng định sự đúng đắn, tác động mạnh mẽ mà Thông tư số 29 mang lại nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục cũng như trong xã hội.

Đối với lợi ích của học sinh, quy định của Thông tư hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, không đúng quy định, các trường học tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình chính khóa, chấm dứt việc dạy thêm có thu phí trong nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận tri thức mà không bị áp lực về học tập và tài chính. Học sinh có cơ hội rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm tòi, tính tự giác và phát triển khả năng tư duy độc lập ngay từcấp tiểu học, cân bằng giữa học tập và phát triển kỹ năng khác. Tạo sự thân thiện, gắn kết giữa con cái và cha mẹ trong gia đình. Quy định chặt chẽ về đối tượng giáo viên không được dạy thêm góp phần đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, giảm bớt sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các học sinh, hạn chế gây xung đột lợi ích, mất công bằng trong đánh giá và giảng dạy. Đối với giáo viên, quy định giáo viên không được dạy chính học sinh của mình sẽ tránh tiếng xấu cho giáo viên dạy thêm chính đáng, củng cố uy tín, danh dự của người giáo viên. Nhận thức của giáo viên về nghĩa vụ thuế thu nhập, về giá trị tự bồi dưỡng chuyên môn được thay đổi.

Theo ông Thái Văn Tài, Thông tư số 29 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội. Các địa phương, nhà trường, giáo viên, cha mẹ học sinh nhận thức rõ thêm về hệ lụy, tác hại của dạy thêm học thêm tràn lan tới học sinh, cha mẹ học sinh, nhà trường và toàn xã hội. Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Tài, vẫn còn 8 địa phương chưa thực hiện nghiêm túc báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Tại hội nghị, các Sở GD-ĐT đã bày tỏ sự đồng thuận và nêu một số những khó khăn khi thực hiện Thông tư 29. Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Thông tư 29 mang lại giá trị nhân văn rõ rệt sau hơn một tháng đi vào cuộc sống. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh tuyệt đối việc thực hiện Thông tư 29 không để ảnh hưởng đến ba đối tượng trong Thông tư 29 (đó là học sinh cuối cấp 1,2, học sinh thi tốt nghiệp THPT). Thứ trưởng đề nghị các Sở GD-ĐT tổ chức thi thử THPT nhưng đánh giá thật, để từ đó có hình thức cho các em thi đánh giá đúng năng lực của các em...

Qua 1,5 tháng thực hiện Thông tư 29, kết quả thực hiện được là công tác truyền thông phổ biến Thông tư 29 quyết liệt đồng bộ cũng như sự vào cuộc của các cơ quan báo chí; Tạo ra tinh thần đồng tâm đồng thuận, tính đồng thuận cao. Lợi ích không chỉ quản lý dạy thêm học thêm mà mang lại giá trị cốt lõi, tạo ra tính hành động cao. Việc dạy học trong nhà trường không bị đứt đoạn, các thầy cô tận tâm tận tụy vì học sinh. Nếu không có Thông tư 29 thì không có học nhóm, việc dạy và học ít ứng dụng công nghệ thông tin. Trong thời gian qua, các đoàn kiểm tra qua nhiều kênh, tại Bắc Giang, một giáo viên bị kỷ luật vì vi phạm quy định. Thông tư 29 cũng tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, phiên bản mạnh hơn của Thông tư 17 trước đó, hình thành khả năng tự học, chủ động xây dựng phương pháp học.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD-ĐT sẽ cùng địa phương cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, tinh thần khuyến khích không dạy thêm học thêm, giáo dục con người toàn diện. Bộ GD-ĐT sẽ nhận đơn thư trực tiếp về tình hình dạy thêm, học thêm, sẽ ra hướng dẫn buổi học thứ hai trong tháng 5, tinh thần không “đánh trống bỏ dùi”, mệnh lệnh tinh thần trách nhiệm theo yêu cầu chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trả lại tuổi thơ cho học sinh....

Thu Hằng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/day-them-hoc-them-khong-danh-trong-bo-dui-tra-lai-tuoi-tho-cho-hoc-sinh-post1187986.vov