Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của Hà Nội

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có văn bản yêu cầu thúc đẩy triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, năm 2025 và các công trình trọng điểm của Thành phố.

Theo đó, thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của Thành phố ở mức cao nhất; phấn đấu tỷ lệ giải ngân các năm 2024, 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch.

Để làm tốt việc này, UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra tại các nghị quyết của HĐND Thành phố, kế hoạch của UBND Thành phố.

Trong đó, tập trung triển khai 5 chuyên đề: Đẩy nhanh công tác hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực; tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai thực hiện; đánh giá tổng thể tình hình thực hiện, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, năm 2024, 2025 để tham mưu điều chỉnh, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp Thành phố, báo cáo Thành ủy và trình HĐND Thành phố tại kỳ họp tháng 7/2024; định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2026 - 2030.

UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư tại các đơn vị, trong đó tập trung các dự án cấp Thành phố và các dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ mục tiêu để thực hiện các chương trình, kế hoạch của Thành phố.

UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo UBND Thành phố, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đã thực hiện sang năm thứ 4. Trong thời gian qua, các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã đã có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; kết quả giải ngân qua từng năm có tiến bộ: Năm 2021 là 36.565 tỷ đồng (đạt 79,2% kế hoạch), năm 2022 là 45.315 tỷ đồng (đạt 87,8% kế hoạch), năm 2023 là 54.100 tỷ đồng (đạt 94,4% kế hoạch so với Thành phố giao, đạt 115,9% so với Trung ương giao). Giải ngân năm 2024 đến ngày 31/3/2024 đạt 7.784 tỷ đồng, tương đương 9,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ và Thành phố giao đầu năm.

Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch trung hạn thì khối lượng công việc phải triển khai từ nay đến hết năm 2025 còn nhiều, từ công tác chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện các dự án.

Cụ thể, 65 dự án đã được dự kiến nguồn vốn để triển khai, nhưng đến nay chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; 178 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; kết quả giải ngân các dự án cấp Thành phố chưa cao; nhiều công trình chậm tiến độ, đặc biệt là các công trình trọng điểm; nhiều dự án còn khó khăn, vướng mắc.

Về các dự án cấp Thành phố trong lĩnh vực giao thông, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội triển khai 242 dự án, với kế hoạch vốn trên 124.000 tỷ đồng, chiếm 61,8% tổng vốn bố trí cho mọi lĩnh vực. Trong đó, 53 dự án đã hoàn thành, hiện Thành phố đang triển khai 143 dự án. Còn lại 46 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chưa phê duyệt dự án.

Đáng chú ý, trong năm 2024, Thành phố phấn đấu khởi công dự án cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; cầu Trần Hưng Đạo (dự kiến tổng mức đầu tư 16.100 tỷ đồng) vào quý 4/2024. Đồng thời, cố gắng phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) để khởi công năm 2026.

Về việc chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai, dự kiến trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định năm 2025. Đây đều là các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp.

Liên quan đến các vướng mắc dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội, hiện còn 13 hộ dân kiên quyết không cho đo đạc kiểm đếm.

Cùng với đó, 78 hộ phường Giảng Võ chưa xác nhận được nguồn gốc đất; 1.276 phương án giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt, còn 167 hộ đã phê duyệt nhưng không nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng; 317 hộ đã nhận tiền, nhận nhà nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, 124 căn tái định cư Sở Xây dựng chưa trình UBND Thành phố và 62 căn tái định cư Sở Xây dựng chưa điều chỉnh đơn vị nhận tiền.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư chủ động, khẩn trương làm việc với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội tháng 7/2024.

Đối với các dự án còn khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trường hợp không bảo đảm tiến độ phải chủ động báo cáo UBND thành phố Hà Nội từ sớm để có chỉ đạo và điều hành nguồn vốn phù hợp...

P.Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-nhanh-tien-do-trien-khai-cac-cong-trinh-trong-diem-cua-ha-noi-170650.html