Đẩy mạnh xử lý qua camera giám sát để lập lại kỷ cương giao thông

Để lập lại kỷ cương giao thông nhất là kéo giảm tai nạn giao thông lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ, tập trung xử lý vi phạm qua camera giám sát.

Đẩy mạnh áp dụng hình thức phạt nguội qua camera giám sát

Ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, năm 2024, theo số liệu của Văn phòng Bộ Công an cho thấy, trong năm 2024, trên toàn quốc xảy ra 23.689 vụ TNGT, làm chết 10.965 người, bị thương 17.567 người. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 918 người chết. Trong đó, 4 địa phương có số người chết do TNGT giảm so với năm 2023 trên 20% là: Cà Mau, TPHCM, Hậu Giang, Lâm Đồng. Đặc biệt: Lâm Đồng, Hậu Giang giảm trên 30% số người chết do TNGT.

Ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Ông Lê Kim Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Cũng trong năm, lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý 95 vụ với 916 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 45 vụ (-32,14%).

"Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025, đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước… do đó cần tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Trong đó, năm 2025 sẽ tập trung vào một số mục tiêu: Kéo giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn của người dân và tiếp tục khắc phục tình trạng ùn tắc, ô nhiễm từ các hoạt động giao thông. Đặc biệt, không để xảy ra ùn tắc kéo dài tại Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn trên cả nước, trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm", ông Lê Kim Thành nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu về ATGT ngay trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Lễ hội Xuân 2025. Trong đó, đặc biệt phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kiên quyết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng các quy định pháp luật như lái xe khi đã uống rượu bia, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, và các hành vi nguy hiểm khác… áp dụng hình thức “số hóa” trong xử lý vi phạm như phạt nguội qua camera giám sát và tăng cường sự hỗ trợ từ người dân, giúp chuyển từ tư duy “chống chế để không bị phạt” sang tư duy “tuân thủ để bảo vệ an toàn cho mình và người khác”.

Trung tâm quản lý điều hành giao thông

Trung tâm quản lý điều hành giao thông

Quyết tâm lập lại kỷ cương giao thông bằng thiết bị công nghệ, hệ thống giám sát...

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Phòng 3, Cục CSGT) cho biết, xác định vai trò nòng cốt trong quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ và xây dựng 5 Nghị định, 15 Thông tư phục vụ cho Luật Trật tự, an toàn giao thông. "Để triển khai Luật, Cục CSGT nói riêng và lực lượng CSGT toàn quốc đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, Trung tâm Chỉ huy giao thông...", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.

Trong đó, CSGT sẽ ưu tiên sử dụng thiết bị công nghệ, hệ thống giám sát, camera... cung cấp hình ảnh chứng minh vi phạm kết hợp với phát hiện trực tiếp. Ngoài ra, việc trừ điểm giấy phép lái xe cũng được chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công, kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia... kiểm soát xử lý thông tin về tạm giữ giấy phép lái xe. Sau khi tích hợp các loại giấy tờ liên quan đến người lái và phương tiện lên ứng dụng VNeID, chỉ cần có điện thoại thông minh thì người dân có thể theo dõi ở mọi lúc, mọi nơi.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Phòng 3, Cục CSGT)

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Phòng 3, Cục CSGT)

Tại địa bàn tập trung nhiều đầu mối giao thông, Trung tá Phạm Đức Hoàng - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, trên thực tế, cán bộ chiến sĩ đã dùng camera được Bộ Công an và Công an Thành phố trang cấp để phục vụ việc ghi nhận những hành vi vi phạm và tình hình giao thông trên tuyến tuần tra. Camera còn lưu lại thông tin ngày, giờ và tọa độ định vị.

"Kể từ khi triển khai hệ thống camera nghiệp vụ, tình hình vi phạm giao thông giảm hẳn. Ý thức tham gia giao thông của người dân về việc chấp hành Luật và tín hiệu đèn giao thông cũng có chuyển biến. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, người tham gia giao thông có thể xem lại hành vi vi phạm của mình một cách thực tế. Khi được xem lại hình ảnh vi phạm, người dân cảm thấy tâm phục khẩu phục, thấy cách làm này rất văn minh. Đơn vị đã đề xuất lãnh đạo tăng cường thiết bị nghiệp vụ mới hơn, sâu rộng hơn, lắp nhiều camera xử phạt ở các ngã tư hơn”, Trung tá Phạm Đức Hoàng chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm, Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) đã tăng cao mức phạt với các nhóm hành vi lỗi cố ý, nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Nghị định mới đã xử lý nghiêm những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền. Thậm chí tịch thu phương tiện đối với một số hành vi như: Đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…

"Đối với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt tiền được nâng từ 4 – 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng. Sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Sau hơn nửa tháng áp dụng nghị định đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức, hành vi tham gia giao thông và tình hình trật tự an toàn giao thông. Nhiều người tự giác chấp hành ngay cả khi không có CSGT làm nhiệm vụ"", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/day-manh-xu-ly-qua-camera-giam-sat-de-lap-lai-ky-cuong-giao-thong-post1149748.vov