Đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xứng tầm với Quốc bảo

PTĐT - Vào dịp sinh nhật tháng năm, năm 1965, đúng 75 tuổi, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc mà Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa. Đó là những lời dặn cuối cùng của Bác đối với toàn Đảng, toàn dân...

Bác Hồ luôn dành tình yêu thương đối với các cháu học sinh. Ảnh tư liệu

PTĐT - Vào dịp sinh nhật tháng năm, năm 1965, đúng 75 tuổi, Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc mà Người khiêm nhường chỉ gọi là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào, đồng chí trước lúc đi xa. Đó là những lời dặn cuối cùng của Bác đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, được Người chuẩn bị hết sức công phu, tỉ mỉ và chu đáo, kết tinh tư tưởng - đạo đức - phong cách của Người. Di chúc là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Người được xếp hạng Bảo vật Quốc gia, là Quốc bảo của Việt Nam thời hiện đại.

Thấu hiểu và thấu cảm những lời căn dặn của Người
Di chúc của Bác Hồ, từ bản viết đầu tiên, tháng 5/1965, đến các bản sửa chữa, bổ sung những năm tiếp theo, cho đến lần sửa chữa cuối cùng vào tháng 5/1969 hợp thành một chỉnh thể toàn vẹn nội dung những lời căn dặn của Người. Tư tưởng - Đạo đức- Phong cách Hồ Chí Minh kết tinh trong bản văn 1.000 từ này nổi bật ở năm vấn đề.Thứ nhất, khẳng định niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người nhấn mạnh, đó là một điều chắc chắn.Thứ hai, căn dặn việc phải làm đầu tiên ngay sau khi cách mạng toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam là tập trung chỉnh đốn lại Đảng. Trong Đảng, trước hết phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải xứng đáng là một Đảng cầm quyền. Thứ ba, đầu tiên là công việc với con người. Đây là một phác thảo toàn bộ chương trình, kế hoạch xây dựng đất nước sau chiến tranh mà trung tâm là chăm lo cuộc sống cho nhân dân, từ “đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ, những gia đình có công với nước; đến giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề và quản lý xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Người đặc biệt quan tâm tới thanh niên và phụ nữ. Đảng phải chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm quan trọng và cần thiết. Đào tạo họ về học vấn và kỹ thuật, chính trị và văn hóa, thành lớp người chủ chốt xây dựng đất nước, “vừa hồng, vừa chuyên”. Quan tâm tới sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ và bản thân phụ nữ phải chủ động vươn lên giành lấy quyền bình đẳng. Giá trị to lớn và ý nghĩa sâu xa từ những trù tính chiến lược này của Người là ở chỗ, Người đề cập tới đổi mới, đưa ra một quan niệm về đổi mới như một cuộc cách mạng, kiến tạo phát triển trong tương lai vô cùng tinh tế, sâu sắc. Cũng như vậy, tâm nguyện của Người, điều mong muốn cuối cùng của Người lại chính là quan niệm về chủ nghĩa xã hội Việt Nam mà ngày nay, kế thừa tư tưởng của Người, Đảng ta xác định thành hệ mục tiêu của đổi mới, là đặc trưng tổng quát về xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tính mới, tính hiện đại trong tư tưởng của Người làm nên giá trị trường tồn, sức sống và ý nghĩa của Di chúc.Thứ tư, Di chúc còn đề cập tới tư tưởng và tình cảm của Người đối với phong trào cộng sản quốc tế, với các nước xã hội chủ nghĩa anh em trên thế giới. Thứ năm, về việc riêng, và đây chính là nỗi niềm của Người, đến phút cuối cùng, trước lúc ra đi vẫn nặng lòng với dân với nước. Người nói rõ, sau khi Người qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Người yêu cầu thi hài Người được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”, sau này, khi đã có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn, nên trở thành phổ biến, như thế đã tốt vì hợp vệ sinh cho người đang sống lại đỡ tốn đất, ruộng của nông dân. Đó không chỉ là tư tưởng của Người về môi trường mà còn là nét đẹp tinh tế trong triết lý nhân sinh, trong văn hóa ở đời và làm người mà Người thể hiện qua những lời cảm động, thấm đẫm tình người. Như thế, bản văn 1.000 từ trong suốt bốn năm Người suy nghĩ, viết và sửa, bổ sung và hoàn thiện đã kết tinh tất cả trí tuệ và tình cảm, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đó không chỉ là Quốc bảo mà còn là Pháp bảo của muôn đời.Đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xứng tầm với Quốc bảo
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Bác Hồ để xứng tầm Quốc bảo trong hoàn cảnh, điều kiện mới hiện nay, trước hết, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về giá trị trường tồn và ý nghĩa to lớn của Di chúc cũng như các tác phẩm của Người đã trở thành bảo vật Quốc gia để nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức và niềm tin cho mọi thế hệ người Việt Nam. Hơn nữa, chúng ta đang ra sức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì việc tích cực tuyên truyền, giáo dục từ các bảo vật Quốc gia của Hồ Chí Minh càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa lâu dài ở tầm chiến lược, nhất là trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thật trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh theo chỉ dẫn của Người. Cần làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc và những cống hiến vô giá của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, trong đó có những cống hiến lý luận đặc sắc của Người vào việc làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phương pháp khoa học sáng tạo và bản lĩnh chính trị của Người trong việc bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Để làm rõ điều đó, cần có nhận thức đúng và đầy đủ về di sản Hồ Chí Minh - đó là toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác, là thời đại Hồ Chí Minh như đánh giá của Đảng ta trong điếu văn vĩnh biệt Người. Cũng cần làm cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có trong các tác phẩm, văn phẩm của Người, mà còn thể hiện và thấm nhuần trong hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú, đa dạng của Người trong hơn sáu thập kỷ, từ lúc đi tìm đường cứu nước tới khi về với thế giới “người hiền”. Thứ hai, một cách thiết thực nhất mà cũng là quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những chỉ dẫn cụ thể của Người trong Di chúc, sao cho Đảng thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, cầm quyền, thật sự trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự là người đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của nhân dân. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Mỗi người hãy ghi nhớ lời Bác dạy: Gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất. Một tấm gương sống còn có ý nghĩa hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Ra sức thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng để tạo động lực phát huy dân chủ trong xã hội, để tôn trọng nhân dân và phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, luật pháp của Nhà nước và điều lệ của Đảng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương là không có ngoại lệ, không có vùng cấm; công khai, minh bạch và xử lý nghiêm khắc các vụ án tham nhũng theo pháp luật và phải thu hồi bằng được các tài sản do tham nhũng chiếm đoạt để bảo vệ lợi ích của dân, của xã hội. Thứ ba, quan tâm tới đời sống của nhân dân, nhất là những người nghèo khổ, những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và không ngừng chăm sóc những người có công với nước. Thứ tư, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác cũng đồng thời kỷ niệm 70 năm Bác viết tác phẩm “Dân vận” rất nổi tiếng (1949 - 2019). Đó thực sự là Cương lĩnh vận động quần chúng làm cách mạng do chính Người khởi thảo. Quan hệ giữa Đảng với dân là một quan hệ máu thịt. Lòng dân là thành trì của cách mạng. Chữ “Dân” là điều tâm niệm, ấp ủ trong suốt cuộc đời của Người, cũng là tư tưởng, tình cảm nổi bật của Người trong Di chúc: Tin dân, thương dân và vì dân, nên Người suốt đời gắn bó với dân như sự sống, lẽ sống của Người. Vì vậy, tiếp tục thực hiện Di chúc sao cho xứng tầm Quốc bảo, cần phải ra sức làm tốt công tác dân vận theo đúng phương châm của Người “thật thà nhúng tay vào việc”, “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm” để dân tin tưởng, dân yêu mến, dân ủng hộ, dân giúp đỡ, dân bảo vệ. Đó là bí quyết của thành công.Thứ năm, điểm then chốt, mấu chốt của vấn đề là chất lượng cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Thực hiện Di chúc Bác Hồ sao cho xứng tầm Quốc bảo, hãy làm theo lời Bác, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là công việc gốc của Đảng. Ở thời điểm hệ trọng hiện nay, khi Đại hội XIII của Đảng đang đến gần, cần phải ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thường xuyên giáo dục, rèn luyện cán bộ sao cho những người được chọn lọc vào bộ máy, nhất là ở các cơ quan lãnh đạo phải là những người ưu tú, tinh hoa nhất, những hiền tài, thực đức, thực tài, xứng đáng với niềm tin cậy và sự ủy thác của nhân dân. Đã dựa vào dân để xây dựng Đảng thì càng phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân để chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên. Có như vậy mới có được đội ngũ cán bộ thật sự trung thành, tận tụy, hy sinh vì dân, vì nước, vì Đảng, vì cách mạng. “Nhớ lời Di chúc theo chân Bác”, mỗi chúng ta lòng dặn lòng “hãy xứng đáng với Bác hơn nữa”, ra sức thực hiện “điều mong muốn cuối cùng của Người”. Đó là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Tâm nguyện ấy của Người thể hiện những mục tiêu và kết tinh những giá trị của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đó cũng là chung đúc tầm cao tư tưởng, đạo đức trong sáng, tâm hồn cao thượng và phong cách giản dị - lão thực - hiền minh của bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh. Đó là những việc cần làm, và làm thật tốt hơn nữa để xứng đáng với Bác, góp phần làm cho Di chúc của Người xứng đáng là Quốc bảo.

GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/201911/day-manh-thuc-hien-di-chuccua-bac-ho-de-xung-tam-voi-quoc-bao-167548