Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giao trách nhiệm cho các địa phương
Chiều nay, 27.10, thảo luận tại tổ số 18 gồm các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Trà Vinh, đa số ĐBQH thống nhất với nội dung thẩm tra của Ủy ban kinh tế đối với Tờ trình số 588/TTr-CP ngày 20.10.2023 của Chính phủ về Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Nội dung quy định trong nghị quyết cho thấy sự phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công...
Nhà nước cần quan tâm, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư
Thảo luận tại tổ, ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đồng tình với đề xuất của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với nội dung cho tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án đề xuất thí điểm. Theo đại biểu, hiện đa số các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trên toàn quốc đều cần phải giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư và nhiều vấn đề liên quan khác cần nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, có nhiều dự án không thể kêu gọi đầu tư nên rất khó triển khai. Do đó, việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP lên không quá 70% là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đại biểu Tuấn cho rằng, bên cạnh nâng tỷ lệ vốn Nhà nước, cần quan đến thời gian thu hồi vốn ủa dự án PPP, vì hiện nay các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì mong muốn thu hồi vốn nhanh. Đồng thời, quan tâm việc chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư trong những trường hợp doanh thu bị sụt giảm.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho rằng, việc nâng trần tỷ lệ vốn Nhà ước tham gia các dự án PPP chưa thể giải quyết triệt để được các khó khăn, vướng mắc của các dự án giao thông PPP hiện nay. Về vấn đề này, thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã chỉ rõ, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy các dự án giao thông PPP gặp khó khăn trong việc huy động vốn có nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi nhưng chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng; những tồn tại, hạn chế của các dự án giao thông BOT giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý dứt điểm; lưu lượng xe thực tế của các dự án giao thông BOT thấp hơn so với phương án tài chính đề ra, chậm điều chỉnh tăng phí sử dụng dịch vụ theo hợp đồng dự án... dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc tham gia đầu tư các dự án giao thông PPP. Đại biểu cho rằng, nhà đầu tư luôn lo sợ việc thay đổi chính sách, thay đổi quy hoạch. Do đó, bên cạnh việc điều chỉnh tổng mức vốn thì cũng cần lưu ý đến việc bảo đảm tính ổn định về chính sách, có sự cam kết để giúp nhà đầu tư yên tâm và tạo thuận lợi cho việc huy động nguồn lực đầu tư các công trình giao thông.
Đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương
Tại thảo luận tổ, các ĐBQH cũng đánh giá cao đề xuất của Chính phủ về xem xét giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương. Theo các đại biểu, đây là cơ chế để giúp các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương có tuyến đường đi qua. Đặc biệt, đây cũng là chìa khóa tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương hiện nay.
ĐBQH Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) nhấn mạnh: “UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý địa bàn, đôn đốc tiến độ đầu tư thì sẽ rất phù hợp, thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư. Chưa kể, trong một số trường hợp địa phương có nguồn ngân sách và có nhu cầu đầu tư các tuyến đường thì có thể chủ động đề xuất dùng ngân sách địa phương để thực hiện dự án. Như vậy, việc phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh đầu tư các dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương trong bối cảnh nước ta đang dồn nguồn lực để phát triển hệ thống đường cao tốc, đường bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là rất phù hợp”.
Nhiều đại biểu thống nhất với phân tích của Ủy ban Kinh tế về năng lực quản lý dự án của các địa phương hiện nay chưa đồng bộ; có trường hợp địa phương làm tốt, có địa phương gặp khó khăn, dễ phát sinh tình trạng không hoàn thành đồng bộ, theo tiến độ của các dự án thành phần. ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, Chính phủ cần thành lập các tổ công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng lượng các dự án để tạo sự đồng bộ khi triển khai các dự án đi qua các địa phương. Về vấn đề này, các đại biểu cho rằng, khi được ủy quyền thì các địa phương sẽ phải có trách nhiệm kiện toàn lực lượng để bảo đảm tiến độ công trình; cần thiết có thể xin cán bộ của Bộ Giao thông vận tải để tham gia quản lý dự án.
Đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, các đại biểu băn khoăn, nếu không có cơ chế cụ thể để phối hợp hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ rất khó tạo ra sự thống nhất, tính trách nhiệm chung của các địa phương khi thực hiện cùng một dự án. Thực tế, nếu các địa phương tự phối hợp với nhau để đi đến thống nhất một địa phương làm chủ quản thì dự án mới có thể triển khai thuận lợi.
Ủy quyền cho Chính phủ xây dựng danh mục dự án thí điểm
Thảo luận về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm và danh mục các dự án đề xuất áp dụng thí điểm, các ĐBQH cho rằng, báo cáo thẩm tra và tờ trình có nêu là Chính phủ lựa chọn các danh mục dự án là trên cơ sở đặt ra 4 nguyên tắc. Và trên cơ sở 4 nguyên tắc, tiêu chí đó thì mới lập ra danh mục các dự án. Đồng thời, nếu sau này cần điều chỉnh bổ sung thì sẽ phải trình Quốc hội hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi đó, thời gian thí điểm rất ngắn. Các đại biểu cho rằng, nếu không phân cấp mạnh hơn để rút ngắn bớt thủ tục thì cũng sẽ rất khó khăn. Bởi như vậy xin bổ sung một dự án mới nào đó thì phải nộp hồ sơ rồi trình Chính phủ cho ý kiến, sau đó Chính phủ trình Quốc hội, mất rất nhiều thời gian và sẽ không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, cần phải xây dựng một số nguyên tắc tiêu chí rõ ràng, có thể trên 4 nguyên tắc, tiêu chí đang xem xét để quy định cụ thể hơn, làm sao để mạnh dạn ủy quyền, phân cấp cho Chính phủ trực tiếp quyết định bổ sung và báo cáo Quốc hội vào tại 2 kỳ họp thường niên.Trên cơ sở đó Quốc hội hoàn toàn có thẩm quyền là kiểm tra, giám sát, nếu như đề xuất đó không đúng tiêu chí thì Quốc hội sẽ có ý kiến.