Đầu tư hạ tầng du lịch theo phương thức đối tác công tư gặp nhiều vướng mắc

Theo Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo phương thức đối tác công tư còn gặp nhiều nhiều vướng mắc liên quan đến thực thi chính sách cũng như chia sẻ rủi ro.

Nhận định về vướng mắc cản trở hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào lĩnh vực hạ tầng du lịch, nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, vướng mắc trước tiên là việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn các quy định của pháp luật liên quan. Đây là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với việc thực hiện các dự án PPP trong vài năm qua và cả trong thời gian tới.

Cụ thể, Luật PPP được ban hành ngày 18/6/2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đến cuối tháng 3 năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 28/2021/NĐ-CP7 quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP8 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Như vậy, hai Nghị định này chậm ban hành so với thời điểm có hiệu lực của luật gần 3 tháng.

Đồng thời, các văn bản hướng dẫn khác của Luật PPP được ban hành khá chậm. Ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg nhằm đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó đốc thúc các bộ ngành ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về PPP để thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về PPP để thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch.

Cũng theo Học viện Chính sách và Phát triển, các quy định liên quan đến đầu tư hạ tầng du lịch theo phương thức PPP còn thiếu biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến cho việc tiếp cận tín dụng của các dự án PPP gặp khó khăn là quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Từ năm 2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2009/TT-NHNN14 quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Tỷ lệ này được giảm dần từng năm và từ năm 2023, các ngân hàng thương mại chỉ được phép dùng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.

Trong khi các dự án PPP thường phải sử dụng vốn vay dài hạn cho các khoản chi phí đầu tư ban đầu. Do tỷ lệ này giảm nên nguồn vốn dành cho các dự án PPP cũng khó khăn hơn.

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng quá trình triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trong 5 năm qua cho thấy những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Nhiều công trình còn đầu tư kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ dự án đề ra cho nên chưa phát huy hết hiệu quả của các dự án hạ tầng du lịch.

Nguyên nhân là do các công trình không được cân đối đủ vốn, trong đó vốn ngân sách Nhà nước trợ giúp đầu tư chỉ đáp ứng được khoảng 30 đến 34% nhu cầu. Các địa phương bố trí bổ sung nguồn vốn rất thấp, nhất là với các địa phương không có khả năng tự cân đối về ngân sách khiến nhiều dự án cơ sở hạ tầng về du lịch kéo dài, không hoàn thành đúng tiến độ.

Mức vốn ngân sách Nhà nước hằng năm đầu tư cho lĩnh vực này còn bị động, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trong khi các tỉnh, thành phố chưa chủ động bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn vốn khác mà vẫn chủ yếu trông chờ nguồn hỗ trợ của trung ương. Một số địa phương đã tự bố trí vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương phân bổ theo hướng phân tán, dàn trải, trong khi các dự án chuyển tiếp thiếu nhiều vốn để hoàn thành. Thậm chí sử dụng vốn sai mục đích, ảnh hưởng đến việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch theo mục tiêu nhằm tạo tính liên hoàn, liên kết giữa các vùng.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Học viện Chính sách và Phát triển khuyến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về PPP để có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng tư nhân.

Cần có giải pháp chia sẻ rủi ro trong đầu tư, nhất là lĩnh vực du lịch để thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần chia sẻ rủi ro nhiều hơn với khu vực tư nhân.

“Việc chia sẻ rủi ro có thể được thực hiện thông qua các biện pháp bảo lãnh và bảo đảm phù hợp với đặc thù về khả thi tài chính và thương mại của từng dự án. Trong quá trình chuẩn bị dự án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành khảo sát tham vấn thị trường để tìm hiểu nguyện vọng của các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, qua đó, xây dựng các cấu trúc hợp đồng PPP phù hợp”, Học viện Chính sách và Phát triển đề xuất.

Anh Hoài

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/dau-tu/dau-tu-ha-tang-du-lich-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu-gap-nhieu-vuong-mac/20241029032639212