Đầu tư các dự án trọng điểm có tính đột phá, lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, một trong những giải pháp quan trọng là hoàn thiện, thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8 lần này. Cùng với đó là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các dự án trọng điểm tính đột phá, dẫn dắt, lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh phiên họp sáng 4/11 của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp sáng 4/11 của Quốc hội.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" cho phát triển

Thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ.

Theo các đại biểu, năm 2024, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài, những bất cập, hạn chế về nội lực nền kinh tế bên trong, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ, song, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành có hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội, chúng ta đã vượt lên trên khó khăn, thách thức, dành nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 khi cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%, thu ngân sách nhà nước ước tăng trên 10%. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhờ sự phát triển bền vững và năng lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới, khẳng định vai trò nổi bật của Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế.

Đại biểu cho biết, trong những tháng cuối năm, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 và số 6, Chính phủ đã nhanh chóng chỉ đạo công tác phòng, tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giúp các địa phương, người dân khôi phục sinh kế, ổn định cuộc sống và tái thiết vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo tăng trưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, thời gian qua, Chính phủ không chỉ ban hành và chỉ đạo khắc phục nợ đọng văn bản, chuẩn bị nhiều dự thảo luật trình Quốc hội, trong đó có một số luật thông qua theo thủ tục một kỳ họp, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo khung pháp lý vững chắc để điều hành, quản lý kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Để đảm bảo thực thi hiệu quả, Đại biểu đề nghị sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để thực hiện đồng bộ khi Luật có hiệu lực; tập trung tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.

Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn để tổ chức thực hiện. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công có tích cực nhưng chưa đạt kế hoạch, tỷ lệ giải ngân chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023; tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là nguồn vốn sự nghiệp vẫn rất chậm.

Theo đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Nhấn mạnh những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Cùng với đó, tăng cường quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm, kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá những dự án, công trình có vướng mắc về mặt thể chế hiện nay, ví dụ những các dự án qua thanh tra, kiểm tra, điều tra, các bản án, các dự án chậm giải ngân do triển khai các văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ... để tháo gỡ. Đại biểu cho rằng có thể ban hành các cơ chế đặc thù thí điểm đối với một số dự án cụ thể hay ở số một số địa phương cụ thể để nhằm đánh giá và nhân rộng để phát huy nguồn lực phát triển của Đất nước.

Đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất đột phá, dẫn dắt, lan tỏa như chúng ta đang triển khai (như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao…). Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ cao nhằm tăng năng sức lao động gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dau-tu-cac-du-an-trong-diem-co-tinh-dot-pha-lan-toa-de-thuc-day-tang-truong.html