Đầu năm đi lễ chùa
Cửa chùa đất Phật là chốn yên bình, nơi thanh tịnh mà vào dịp tết đến xuân về nhiều người tìm về với mong muốn cầu sự bình an, may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là một truyền thống lâu đời mà còn là nét đẹp văn hóa của người Việt.
Mỗi ngôi chùa đều có câu chuyện lịch sử riêng. Từ bao đời nay vẫn đứng đó, như nhân chứng của lịch sử, chứng kiến biết bao mùa xuân đi qua và đón chào những thế hệ mới đến với lòng thành kính. Không cầu kỳ lễ vật, quan trọng nhất là ở tinh thần hướng thiện, sự gắn kết gia đình và cộng đồng thì tự nhiên con người sẽ vô cầu sở đắc, thanh tâm, nhàn thân.
Nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt
Đi chùa đầu năm có nguồn gốc từ những tín ngưỡng cổ xưa của người Việt, xuất phát từ quan niệm tôn kính các vị thần, tổ tiên và những lực lượng siêu nhiên. Người Việt tin rằng việc thắp hương, lễ bái chính là cách để gắn kết với tổ tiên và các vị thần linh, nhằm nhận được sự phù hộ cho gia đình và cộng đồng.
Đặc biệt, ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, rất nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Những biểu tượng như hoa quả, bánh kẹo được chuẩn bị trong lễ vật không chỉ biểu thị lòng thành kính mà còn thể hiện sự cầu mong cho sự thịnh vượng và hòa bình. Phong tục này góp phần duy trì bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo thống kê, khoảng 70% người Việt tìm đến các ngôi chùa vào dịp tết Nguyên đán. Khi đi chùa đầu năm, mọi người thường mang theo nhiều ước nguyện khác nhau. Có người mong muốn có sức khỏe dồi dào để làm việc và sống vui vẻ. Có người cầu nguyện cho gia đình luôn ấm áp, hạnh phúc, không gặp phải những điều không may trong cuộc sống... Đạt được thành công trong công việc và học tập là mơ ước của nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ đến chùa với ước mong tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Đi lễ chùa đầu năm không chỉ đơn thuần là một hoạt động tôn giáo, mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Hoạt động này mang trong mình nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc, giúp kết nối con người với tâm linh và thiên nhiên. Người Việt cho rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất.
Ước nguyện đầu xuân
Ngày nay, nét đẹp văn hóa này vẫn được duy trì và phát triển. Tại các ngôi chùa nổi tiếng trên địa bàn tỉnh như: Từ Quang (Đá Trắng), Thanh Lương, Bảo Lâm, Bảo Tịnh..., người dân và du khách náo nức đi lễ. Giữa không gian bao la đất trời, tiếng chuông chùa ngân vang, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật... tạo nên không khí thanh bình, khiến lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
Chị Lê Thị Thu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, tôi thường đi lễ chùa Thanh Lương vào dịp đầu năm, để cầu mong bình an cho các thành viên trong gia đình và được thả lòng mình cảm nhận sự giao hòa của đất trời vào xuân, bỏ lại phía sau những vất vả mưu sinh năm cũ”.
Lễ chùa đầu năm còn là dịp để mỗi gia đình quây quần, cùng chia sẻ những khát vọng và lời chúc tốt đẹp. Anh Nguyễn Anh Hiếu ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) cho biết: “Gia đình tôi luôn giữ nếp đi chùa vào mùng 1 tết, không chỉ vì đó là truyền thống, mà còn bởi đó là dịp để chúng tôi sum vầy, để cùng nhau gửi gắm hy vọng và ước nguyện về một năm mới tốt đẹp. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ, sẽ mãi được lưu giữ trong ký ức của mỗi thành viên trong gia đình”.
Mỗi ngôi chùa đều mang một nét đẹp riêng, từ kiến trúc đến không gian thiên nhiên xung quanh, góp phần tạo nên bầu không khí linh thiêng. “Với tôi, mỗi khi bước chân vào chùa, tôi thường cảm nhận được sự thanh tịnh, nhẹ nhõm trong tâm hồn, từ đó giúp xua tan những lo âu, muộn phiền. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu mong những điều tốt lành mà còn là cơ hội để chiêm nghiệm, định hướng cho bản thân trong năm tới”, chị Lê Thanh Lam ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) thổ lộ.
Ngày nay, việc đi lễ chùa không chỉ giúp người Việt giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân - thiện - mỹ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.
Bạn Phan Xuân Phương ở xã An Phú, TP Tuy Hòa bày tỏ: “Mỗi dịp tết đến, tôi và các anh chị em trong gia đình thường đi lễ chùa, trước là để vãn cảnh, sau là cầu mong cho bản thân, gia đình luôn mạnh khỏe, mọi sự được hanh thông. Hòa mình vào không gian linh thiêng, tôi hiểu thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp ấy...”.
Gia đình tôi luôn giữ nếp đi chùa vào mùng 1 tết, không chỉ vì đó là truyền thống, mà còn bởi đó là dịp để chúng tôi sum vầy, để cùng nhau gửi gắm hy vọng và ước nguyện về một năm mới tốt đẹp. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ, sẽ mãi được lưu giữ trong ký ức của mỗi thành viên trong gia đình.
Anh Nguyễn Anh Hiếu ở phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325564/dau-nam-di-le-chua.html