Đau lưng do trượt đốt sống, làm gì để phòng?

Trượt đốt sống là trường hợp bệnh lý về cột sống rất hay gặp. Trong giai đoạn đầu, bệnh thường gây đau lưng nhưng không nghiêm trọng khiến người bệnh khá chủ quan. Ở giai đoạn nặng cơn đau có thể lan dần xuống một hoặc hai chân của người bệnh khiến hoạt động đi lại hàng ngày diễn ra vô cùng khó khăn.

Vì sao bị trượt đốt sống lưng?

Trượt đốt sống hay lệch đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra phía trước hoặc ra phía sau so với đốt sống dưới. Khi tình trạng này xuất hiện sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy đau nhức ở vùng thắt lưng. Các hoạt động đi lại hàng ngày diễn ra vô cùng khó khăn. Những cơn đau có thể lan dần xuống một hoặc hai chân của người bệnh.

Nguyên nhân gây trượt đốt sống phổ biến nhất là do thoái hóa. Theo thời gian, tuổi tác, các mô của cơ thể trong đó có dây chằng, xương và khớp sẽ bị tổn thương khiến cho sự liên kết giữa các đốt sống bị ảnh hưởng.

Nếu tổn thương mạn tính có thể gây mất vững cột sống. Mặt khác, khi các thay đổi thoái hóa tiến triển đến mức khớp và dây chằng không thể ở vị trí phù hợp của cột sống thì sẽ gây ra trượt đốt sống do thoái hóa.

Với những người bị trượt đốt sống khi đổi các tư thế đi đứng sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

Với những người bị trượt đốt sống khi đổi các tư thế đi đứng sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

Những triệu chứng điển hình của trượt đốt sống

Vào thời gian đầu, người bệnh thường sẽ không có bất cứ triệu chứng nào hoặc một vài trường hợp sẽ cảm thấy đau lưng nhẹ. Đến giai đoạn đau ở vùng thắt lưng, những cơn đau sẽ tăng lên theo khi người bệnh đi đứng hoặc hoạt động. Những cơn đau lưng cũng sẽ lan rộng xuống dưới mông, đùi và xuống đến tận hai bàn chân. Các cơn đau và tê nhức sẽ tăng lên nhiều hơn khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.

Các cơn đau càng mạnh hơn khi phần cột sống phải chịu những tác động lực mạnh. Khi ngừng hoạt động, những cơn đau này sẽ giảm bớt hoặc biến mất hẳn. Với những người bị trượt đốt sống khi đổi các tư thế đi đứng sẽ gặp phải khá nhiều khó khăn. Một vài trường hợp, người bệnh còn cảm nhận được cả các đốt sống đang trượt trong quá trình cúi gập về trước hoặc ngửa người ra sau.

Giai đoạn nặng của bệnh, việc thay đổi tư thế sẽ khiến người bệnh cảm thấy bị cứng cơ vùng thắt lưng hoặc bị căng cơ ở mặt trong của đùi. Người bệnh khi đi thường hay khom người về phía trước và có thể bị vẹo cột sống về hai phía hai bên. Các cơn đau cột sống thắt lưng sẽ diễn ra từng đợt, từng cơn và tần suất xuất hiện cũng dày lên. Khi bệnh nhân sử dụng loại áo nẹp cột sống trong quá trình điều trị thì các cơn đau cũng giảm dần.

Cách phòng ngừa trượt đốt sống

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để phòng bệnh.

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên để phòng bệnh.

Trượt đốt sống là tình trạng rất nhiều người gặp phải, thế nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng chính những thói quen hàng ngày như:

Duy trì tư thế tốt: Khi ngồi hoặc đứng không dựa dẫm, luôn giữ cột sống ở tư thế đúng.

Chú ý khi nâng các vật nặng. Không nên cố nâng vật quá nặng bởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống.

Tránh các môn thể thao và động tác đòi hỏi vặn mình quá mức, liên quan trực tiếp đến đốt sống.

Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân hoặc tăng cân quá nhanh làm tăng áp lực lên cột sống.

Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, đều đặn, hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…

Phân bổ thời gian nghỉ ngơi và luyện tập hợp lý.

Một số loại thực phẩm được khuyên dùng trong các bữa ăn hàng ngày như:

Sữa và các sản phẩm làm từ sữa sẽ tăng cường xương chắc khỏe, chống lão hóa xương.

Các thực phẩm giàu chất béo Omega 3 có trong các loại rau cải mầm, cải xanh, cải xoăn hay các loại trái cây như dứa, chanh,…

Rau xanh và trái cây là hai nguồn cung cấp vitamin và chất xơ chính cho cơ thể, rất tốt cho các bệnh xương khớp, thoái hóa khớp.

Ngũ cốc giúp tăng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa lão hóa, hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp.
Bổ sung hàng ngày các gia vị như gừng, ớt, hạt tiêu có tác dụng chống viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh xương khớp.
Những loại hải sản như cua, tôm, cá,… chứa rất nhiều canxi, nên bổ sung vào bữa ăn mỗi ngày.

Tóm lại: Tuy không quá nguy hiểm nhưng trượt đốt sống lưng gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quá trình di chuyển của người bệnh. Bệnh nhân cần phát hiện sớm để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp ngay từ đầu để giảm những di chứng không đáng có.

BS.CKI Vũ Xuân Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dau-lung-do-truot-dot-song-lam-gi-de-phong-169241215102835335.htm