Dấu ấn nổi bật của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị

Sáng 6/6, tại TP Đông Hà, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo khoa học 'Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước'.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Tham gia hội thảo có ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và hơn 200 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng và cán bộ, lãnh đạo địa phương.

Hội thảo là hoạt động quan trọng kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị (6/6/1973 - 6/6/2023) và hướng tới kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023).

Đây là lần đầu tiên có một hội thảo riêng về vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được tổ chức ở quy mô cấp Bộ.

Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh đến sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Những dấu ấn nổi bật của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị; Đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đối với những hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Theo Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, khu Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị là biểu tượng sáng ngời về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; thể hiện khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Cách đây nửa thế kỷ, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972), đặc biệt là sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), để đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chọn vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị làm nơi đặt Trụ sở. Ngày 6/6/1973, Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.

Từ khi đặt trụ sở tại Quảng Trị (6/1973), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thể hiện đầy đủ, toàn diện vai trò của một chính quyền thực sự dân chủ, Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Trung ương cục miền Nam nói riêng, của Đảng Lao động Việt Nam, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung; đã triển khai đồng bộ, chặt chẽ mọi hoạt động trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Hội thảo khoa học "Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".

Hội thảo khoa học "Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước".

Về đối ngoại, từ ngày 2 - 5/6/1973, đã diễn ra trọng thể Lễ trình Quốc thư của Đại sứ 9 nước đến đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, gồm: Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Lào, Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Hunggari và Angiêri.

Tại đây, đã có 45 đoàn khách quốc tế, 109 đoàn khách Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; báo chí trong và ngoài nước đã đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, làm việc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và vùng giải phóng Quảng Trị.

Tiêu biểu là Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Cuba, do đồng chí Chủ tịch, Tổng Tư lệnh Phiđen Cátxtrô dẫn đầu (9/1973); Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp, do Tổng Bí thư Gioócgiơ Mácse (Goerges Marchais) dẫn đầu (11/1973)…

Chuyến thăm của lãnh tụ Phiđen Cátxtrô đến vùng giải phóng Quảng Trị và Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là biểu tượng sinh động của mối quan hệ đoàn kết quốc tế, đoàn kết chiến đấu đặc biệt, thủy chung Việt Nam - Cuba, khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân Cuba anh em đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam, đã truyền cảm hứng và tạo hiệu ứng tích cực đối với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Nhân dân ta.

Tại hội thảo, Ban tổ chức nhận được hơn 40 tham luận cùng các ý kiến trao đổi thảo luận tập trung vào 4 vấn đề chủ yếu: Khẳng định tính tất yếu về sự ra đời và những đóng góp to lớn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm rõ những dấu ấn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị; làm rõ những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đối với những hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; phát huy truyền thống cách mạng và giá trị Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng Quảng Trị văn minh, giàu đẹp.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, sự kiện Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị khánh thành và đi vào hoạt động vẫn là dấu ấn đậm nét trong hành trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của Nhân dân Quảng Trị.

Ngày nay, Khu di tích là địa chỉ đỏ về truyền thống hào hùng của đồng bào, chiến sĩ cả nước; là nơi ghi nhận sự đóng góp của tập thể, cá nhân từng chiến đấu, bảo vệ, phục vụ các hoạt động tại Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Quỳnh Nga

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dau-an-noi-bat-cua-chinh-phu-cach-mang-lam-thoi-cong-hoa-mien-nam-viet-nam-tai-quang-tri-post477635.html