Dấu ấn 10 năm cải cách hành chính

Với quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, thời gian qua Quảng Ninh đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước, giai đoạn 2011-2020. Với những bước đi thận trọng, sáng tạo, đến nay sau 10 năm thực hiện, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong thực hiện CCHC.

Nhiều mô hình tiên phong, đột phá

Nhận xét về cách làm của Quảng Ninh trong hơn 10 năm thực hiện chương trình CCHC, ông Hoàng Ngọc Anh, Vụ phó Vụ CCHC, Bộ Nội vụ khẳng định: Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ, đạt nhiều kết quả nổi bật, từ cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công đến hiện đại hóa hành chính. Trong đó có rất nhiều cách làm hay sáng tạo được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước. Đặc biệt là việc tinh giản bộ máy biên chế, nhất thể hóa; mô hình Trung tâm hành chính công; đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính vì vậy mà sức hút với các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh khá cao so với mặt bằng chung 63 tỉnh thành.Trong 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 Quảng Ninh giữ vững vị trí dẫn đầu toàn quốc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Năm 2019, Chỉ số Cải cách hành chính PAR Index, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS của Quảng Ninh đứng đầu toàn quốc; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI cũng tăng ngoạn mục vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc.

Các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 được nhận bằng khen của UBND tỉnh. Ảnh: Minh Hà

Theo đó, với quyết tâm xây dựng một nền hành chính phục vụ, khởi đầu từ năm 2012, khi phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2014, Quảng Ninh mạnh dạn thành lập Trung tâm hành chính công và thí điểm tại một số huyện, thị. Từ hiệu quả mô hình trên, năm 2015, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng và dần hoàn thiện quy trình, mô hình ở 14 huyện, thị xã, thành phố, đồng thời kết nối liên thông với 186/186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại thuộc UBND cấp xã. Mô hình này được thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, tức là: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại chỗ. Cách làm này góp phần tăng tính minh bạch, phát huy vai trò giám sát của người dân và hướng tới sự hài lòng của người dân, cũng như doanh nghiệp. Từ mô hình đã giúp các TTHC được cắt giảm trung bình từ 50% đến 70% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương và luật pháp; tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn trung bình hàng năm ở cấp tỉnh đạt 99,9%; cấp huyện đạt 96,9%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 85%. Đặc biệt từ đầu năm 2019, tỉnh đã sáng tạo, vận dụng các quy định pháp luật để triển khai việc sử dụng con dấu thứ hai để giải quyết TTHC ngay tại trung tâm hành chính công các cấp. Với cách làm này, quy trình giải quyết các TTHC được nâng từ 4 tại chỗ trước đây lên 5 tại chỗ: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại trung tâm. Qua đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng sách nhiễu, tiêu cực...

Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sau khi thí điểm ở một số sở, ngành, địa phương, từ 2016, tỉnh tập trung hoàn thiện bộ chỉ số, đồng thời nhân rộng ra 14 địa phương và các sở, ngành. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh tới các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các đơn vị thi đua, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Nhận định về những kết quả nổi bật trong công tác CCHC của tỉnh, Luật sư Đặng Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Luật An Thành (TP Hạ Long), chia sẻ: Những năm gần đây công tác CCHC của tỉnh đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đặc biệt là từ khi mô hình Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp khi làm các thủ tục hành chính. Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, hiệu quả hơn trong xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cá nhân tôi đánh giá rất cao những nỗ lực, đột phá này của tỉnh. Tuy nhiên, để xây dựng Quảng Ninh trở thành nơi cần đến và nơi đáng sống như chính quyền tỉnh đang hướng tới, thì tỉnh còn rất nhiều việc phải làm. Về phía doanh nghiệp như chúng tôi rất mong tỉnh tiếp tục có những cơ chế tích cực hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa trong triển khai thực hiện các TTHC, nhất là trong các lĩnh vực như thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, đầu tư...

Bên cạnh cải cách nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, công tác cải cách tổ chức bộ máy cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trước khi Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ban hành, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các nghị quyết, kết luận của các hội nghị Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị ở các nhiệm kỳ trước. Hiện 100% sở, ban, ngành, địa phương đã rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bố trí biên chế hợp lý và chấp hành nghiêm túc kỷ cương công vụ, công chức. Đặc biệt, xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố then chốt trong công tác CCHC, từ năm 2013, trước khi Trung ương có chủ trương thực hiện thống nhất, mở rộng thí điểm thi tuyển lãnh đạo trong cả nước, Quảng Ninh đã tổ chức thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, ngành, địa phương và thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng. Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ CBCCVC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ.

Đoàn Thanh niên xã Đông Hải (Tiên Yên) tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của xã. Ảnh: Ngô Dịu

Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để căn bản hoàn thành xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử và bước đầu triển khai Đề án Thành phố thông minh. Vừa qua, Quảng Ninh là một trong 3 địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thực hiện thí điểm kết nối giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, công tác cải cách thể chế, cải cách tài chính công cũng được chú trọng và đạt được những chuyển biến toàn diện.

Hướng đến những mục tiêu cao hơn

Trên cơ sở những thành quả đạt được trong giai đoạn qua, để đạt mục tiêu trước năm 2030 Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, là cửa ngõ hợp tác kinh tế, trung tâm du lịch quốc tế của miền Bắc và cả nước, Quảng Ninh xác định một trong 4 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 là “nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật nhằm giải phóng, huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tài nguyên, khoáng sản, văn hóa, con người, tài chính, tài sản công”. Một trong 9 đề án và chương trình trọng điểm nhiệm kỳ 2020-2025 là: Chương trình cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Cán bộ Trung tâm hành chính công Đông Triều giải quyết TTHC lưu động tại gia đình người dân. Ảnh: Diệu Linh

Trong đó riêng chương trình cải cách hành chính, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau. Đó là thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC, gỡ bỏ mọi rào cản từ phía các cơ quan quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Tỉnh cũng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tăng tỷ lệ người dùng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính. Hoàn thành quá trình chuyển đổi số vững chắc, đảm bảo liên thông, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất, an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là hoàn thành đề án chính quyền điện tử, thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh. Hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia. Quy trình hóa việc giải quyết công việc các cơ quan hành chính các cấp theo tiêu chuẩn ISO, cắt giảm tối đa giao dịch, hội họp trực tiếp, tăng cường xử lý trên môi trường mạng.

Cùng với đó, tỉnh quyết liệt tập trung xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Quyết tâm giữ vững vị trí tốp đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); cải thiện thứ hạng cao về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời với đó, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào năm 2025, hướng đến việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, các cơ quan nhà nước "không giấy tờ".

Hoài Anh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202007/dau-an-10-nam-cai-cach-hanh-chinh-2493110/