Đặt bảng quảng cáo 'nhái' biển báo giao thông, có bị phạt?
Thị trường quảng cáo ngày càng phát triển thì việc sử dụng các hình thức quảng cáo sáng tạo và độc đáo trở nên phổ biến.
Một trong những phương pháp đó là đặt quảng cáo có phong cách tương tự biển báo giao thông nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường. Tuy nhiên, đây có phải là hành động đúng quy định pháp luật?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ quy định của Luật Giao thông Đường bộ và các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo tại Việt Nam. Theo đó, biển báo giao thông được thiết kế và lắp đặt nhằm mục đích bảo đảm an toàn và trật tự giao thông. Những hành vi sao chép hoặc nhái lại biển báo giao thông có thể gây rối cho người tham gia giao thông, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và đường sắt, việc đặt bảng quảng cáo gây nhầm lẫn với biển báo giao thông là hành vi vi phạm pháp luật.
Việc đặt bảng quảng cáo có hình thức và màu sắc giống biển báo giao thông nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông có thể gây ra nhiều vấn đề:
Gây nhầm lẫn:Người đi đường có thể dễ dàng nhầm lẫn giữa bảng quảng cáo và biển báo giao thông thật, từ đó dẫn đến những hành vi lái xe không an toàn.
Tai nạn giao thông:Nhầm lẫn khi nhận diện biển báo có thể dẫn đến tai nạn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng của người đi đường.
Xử phạt hành chính: Theo quy định pháp luật, hành vi đặt bảng quảng cáo nhái biển báo giao thông có thể bị xử phạt hành chính.
Điều 34 Luật Quảng cáo quy định đối với biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, biển hiệu phải có các nội dung sau:
a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);
b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Địa chỉ, điện thoại.
Về kích thước, biển hiệu được quy định như sau:
a) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2 mét, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;
b) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1 mét, chiều cao tối đa là 4 mét nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
Khi đặt biển quảng cáo, không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.
Tại khoản 4 Điều 8 Luật này nghiêm cấm quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ; Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông; Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông hoặc hành vi khác gây cản trở giao thông.
Theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12, điểm b khoản 4 Điều 53 Nghị định 100/2021/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) thì các hành vi vi phạm nói trên có thể bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đối với cá nhân, từ 4 đến 6 triệu đồng đối với tổ chức trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng đối với cá nhân, từ 40 đến 50 triệu đồng đối với tổ chức trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Đặt biển quảng cáo "nhái" biển báo giao thông như ảnh, thuộc hành vi đặt biển quảng cáo trên vỉa hè, làm giảm sự chủ ý và gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu giao thông, là vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 đến 3 triệu đồng.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dat-bang-quang-cao-nhai-bien-bao-giao-thong-co-bi-phat-ar895549.html