Đáp ứng quy định EUDR, ngành cao su tìm cách giải quyết vấn đề cao su tiểu điền

Trao đổi tại Hội thảo thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR) diễn ra chiều 17/5 do Hiệp hội Cao su Việt Nam tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù không phải thị trường xuất khẩu dẫn đầu nhưng EU vẫn là khách hàng quan trọng của ngành cao su tự nhiên và sản phẩm từ cao su.

Sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, thị trường EU đứng thứ 3 nhập khẩu các sản phẩm cao su Việt Nam, kim ngạch đạt 469 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam năm 2023. Tuy là thị trường khó tính, nhưng đây là thị trường tiềm năng, có sức mua cao và còn nhiều dư địa, đặc biệt khi có Hiệp định EVFTA.

Những quy định mới do EU đưa ra khiến doanh nghiệp cao su Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức (Ảnh Nguyễn Quang)

Những quy định mới do EU đưa ra khiến doanh nghiệp cao su Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức (Ảnh Nguyễn Quang)

Theo đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam, Quy định chống phá rừng (EUDR) có hiệu lực từ ngày 29/6/2023. 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su và các sản phẩm từ cao su sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu, gây mất rừng và suy thoái rừng, tính từ thời điểm ngày 31/12/2020 trở về sau.

Ngành cao su có chuỗi cung ứng đan xen, phức tạp khó có thể theo dõi, giám sát quản lý, đặc biệt là hộ tiểu điền (Ảnh Nguyễn Quang)

Ngành cao su có chuỗi cung ứng đan xen, phức tạp khó có thể theo dõi, giám sát quản lý, đặc biệt là hộ tiểu điền (Ảnh Nguyễn Quang)

Trao đổi tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng: quy định này ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa cao su không chỉ EU mà nhiều thị trường khác, do liên quan đến quản lý nguồn cung nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc mà EU đang khởi xướng.

Các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU có thời gian 18 tháng (đối với công ty lớn) hoặc 24 tháng (công ty vừa và nhỏ) để chuẩn bị cho việc đáp ứng các yêu cầu của Quy định chống phá rừng (EUDR). Khoảng thời gian tuy khá ngặt nghèo nhưng có vai trò quan trọng trong việc duy trì thị trường EU, cũng như những thị trường còn lại bởi nhiều đối tác khác cũng đang rục rịch áp dụng các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường.

Ngành cao su có chuỗi cung ứng đan xen, phức tạp khó có thể theo dõi, giám sát quản lý, đặc biệt là hộ tiểu điền (Ảnh Nguyễn Quang)

Ngành cao su có chuỗi cung ứng đan xen, phức tạp khó có thể theo dõi, giám sát quản lý, đặc biệt là hộ tiểu điền (Ảnh Nguyễn Quang)

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành cao su có chuỗi cung ứng đan xen, phức tạp khó có thể theo dõi, giám sát quản lý, đặc biệt là hộ tiểu điền. Hiện nay, hơn 60% nguồn cung cao su thiên nhiên đến từ hơn 260 ngàn hộ tiểu điền khắp cả nước. Cao su tiểu điền vẫn chưa đáp ứng chứng chỉ điều kiện truy xuất nguồn gốc sản phấm; canh tác trên đất có nguồn gốc không rõ ràng, đất tranh chấp...

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: Mặc dù vậy, so với nhiều quốc gia trong khu vực, ngành cao su nước ta cũng có thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc, nhất là khu vực cao su đại điền. Quan trọng là làm sao chứng minh việc đáp ứng tiêu chí của EUDR thông qua các chứng chỉ giấy tờ...

Nguyễn Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dap-ung-quy-dinh-eudr-nganh-cao-su-tim-cach-giai-quyet-van-de-cao-su-tieu-dien-post1095860.vov