Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực VHNT: Muôn nẻo khó khăn

Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này cần phải đặc biệt quan tâm đến việc tuyển sinh và đào tạo; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa...

Năm học 2022 - 2023 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ VHTTDL đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những kết quả được ghi nhận trong báo cáo tổng kết công tác của Bộ VHTTDL cũng như báo cáo tổng kết năm học tại hội nghị tổng kết công tác đào tạo khối các trường văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trực thuộc Bộ đã thể hiện rõ sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo, khắc phục nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Hầu hết các trường đã bám sát những nội dung nhiệm vụ trọng tâm trong ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, triển khai các hoạt động và có những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, các cơ sở đào tạo đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế...

Tuy nhiên VHNT có những đặc thù riêng, việc đào tạo năng khiếu nghệ thuật đòi hỏi những nội dung mang tính đặc thù cao và để giải quyết những vướng mắc hiện nay, chúng ta cũng cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù.

Cần có cơ chế tuyển sinh, đào tạo đặc thù, phù hợp

Theo các giảng viên của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, đối với các ngành/chuyên ngành đào tạo năng khiếu, thời gian tuyển sinh thường kéo dài hơn so với các ngành đào tạo đại trà. Tuyển sinh năng khiếu thường diễn ra ở 2 vòng: sơ tuyển và chung tuyển; mỗi chuyên ngành lại có hình thức thi tuyển rất khác nhau. Hiện, Bộ Giáo dục – Đào tạo xây dựng kế hoạch tuyển sinh chung cho toàn quốc. Khi tham gia vào hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần có quy định và hướng dẫn triển khai riêng cho khối các trường văn hóa, nghệ thuật bởi vì dữ liệu (cách thức chấm điểm) của các trường văn hóa nghệ thuật rất khác so với các trường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học để xét tuyển.

Một số quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp với các ngành đào tạo đặc thù. Sinh viên của các trường văn hóa nghệ thuật sau khi tốt nghiệp, mặc dù nhiều em có khả năng, nhưng khi về công tác tại nhà hát, các em không có biên chế để làm việc, lương hợp đồng cũng không có hoặc có nhưng quá thấp. Vì thế các em đành bỏ nghề để đi tìm công việc khác. Thực tế này dẫn đến việc nguồn tuyển đầu vào của các cơ sở đào tạo cũng rất hạn chế. Vì vậy, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách đối với các nghệ sĩ làm việc ở các nhà hát, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật truyền thống để thu hút các nghệ sĩ trẻ sau khi tốt nghiệp. Thực tế cho thấy, khi thí sinh lựa chọn ngành nghề để theo học, các bậc phụ huynh và thí sinh rất quan tâm đến cơ hội làm việc và khả năng thu nhập sau khi tốt nghiệp. Nếu nhìn vào thực tế thu nhập và điều kiện sống của các nghệ sĩ hiện nay, rất nhiều thí sinh không muốn theo học các ngành nghệ thuật.

Nhưng hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực này gặp không ít khó khăn đặc biệt là các văn nghệ sĩ theo lĩnh vực sân khấu.

Đào tạo tài năng là một nhiệm vụ đầy gian nan. Khi chúng ta có được tài năng, cần có những cơ chế để giúp họ gắn bó với nghề. Một diễn viên ba-lê mất 7 - 8 năm học tập và rèn luyện, sau khi tốt nghiệp họ được làm việc tại các nhà hát danh tiếng như Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nhưng họ vẫn phải đi làm thêm hoặc biểu diễn ở những sự kiện, lễ hội thay vì tập trung vào những vở ba-lê kinh điển đòi hỏi kỹ thuật cao. Như vậy, tài năng và kỹ thuật điêu luyện của họ cũng dần bị mai một. Hậu quả là, chúng ta khó có thể có được những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Đối với các nghệ sĩ sân khấu truyền thống, cơ hội được biểu diễn không nhiều, họ gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Thực tế đó tác động không nhỏ đến việc thu hút nguồn thí sinh và nguồn nghệ sĩ tài năng đối với ngành nghệ thuật truyền thống. Như vậy chúng ta cần có những cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ phù hợp đối với các ngành nghề đào tạo mang tính đặc thù cao.

Nâng cao chất lượng giáo viên và cơ sở vật chất

Khác với các ngành nghề khác, giảng viên lĩnh vực VHNT ngoài có trình độ lý luận tốt cần có những kinh nghiệm thực tiễn, có nhiều thành tựu trong sáng tác. Để phát huy sự sáng tạo của người học, người dạy học không chỉ có kiến thức lý luận vững chắc mà còn cần có trải nghiệm thực tiễn phong phú thì mới có thể hướng dẫn sinh viên phát triển kỹ năng nghề cần có ở mỗi ngành đào tạo. Chỉ khi kỹ năng nghề trở nên thành thục và điêu luyện thì sinh viên sau khi tốt nghiệp mới có thể trở thành tài năng. Vì vậy khi bàn về vai trò của giáo viên đối với học sinh lĩnh vực VHNT hầu hết các chuyên gia đều cho rằng cần đầu tư đào tạo con người hướng tới tăng cường năng lực của chủ thể sáng tạo (văn nghệ sĩ) cũng như các nhà quản lý văn hóa, đặc biệt là khi chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển một nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Một vấn đề nữa đặt ra đối với các cơ sở đào tạo hiện nay là sự thiếu hụt về đội ngũ giảng viên. Để đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo qui định trong Thông tư 02/2022; 03/2022; 10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giảng viên cơ hữu ở các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật cần được bổ sung nhiều hơn trong khi số lượng định biên ở mỗi đơn vị hiện nay còn rất hạn chế. Vì vậy, cần có những cơ chế đặc thù dành cho khối các cơ sở đào tạo này khi xác định số lượng chỉ tiêu biên chế của đội ngũ cán bộ, giảng viên.

Mỗi ngành, nghề đào tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đòi hỏi hệ thống trang thiết bị chuyên biệt. Có những ngành luôn gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ như điện ảnh, truyền hình thì việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ là nhu cầu cấp thiết. Chúng ta thử hình dung nếu sinh viên học điện ảnh, truyền hình mà không có máy quay, bàn dựng kỹ thuật cao; không có trường quay, phòng dựng được trang bị những thiết bị đặc chủng thì thật khó đào tạo họ trở thành tài năng. Đối với các ngành đào tạo trong các lĩnh vực khác như âm nhạc, múa, xiếc… cũng như vậy.

Vì vậy, trong cơ chế chính sách đầu tư cho đào tạo tài năng ngành VHNT, một trong những giải pháp đồng thời cũng là nhiệm vụ quan trọng nâng cao chất lượng và tạo sức bật mạnh mẽ cho VHNT có lẽ chính là chúng ta cần có chính sách đầu tư phù hợp với tính đặc thù của các cơ sở đào tạo các chuyên ngành hiện nay. Chỉ có thực sự quan tâm chú trọng đầu tư, đổi mới cả 3 lĩnh vực đào tạo - giáo viên - cơ sở vật chất chúng ta mới có hy vọng và kỳ vọng nhiều vào nguồn nhân lực kế cận có thể tạo ra được những tác phẩm VHNT đỉnh cao trong tương lai.

TT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/dao-tao-nhan-luc-trong-linh-vuc-vhnt-muon-neo-kho-khan-657436.html