Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Khán giả thay đổi thì cách làm phim cũng phải điều chỉnh theo
Ở tuổi mà nhiều người chọn nghỉ ngơi thì đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tiếp tục làm bạn với sự bận rộn. Ông vẫn âm thầm viết lách, chấm thi phim ảnh và làm phim như thường. 'Đứa con tinh thần' là bộ phim điện ảnh nói về 'chất Tràng An' của người Hà Nội, được chuyển thể từ tập truyện cùng tên do chính ông viết và đã xuất bản. Vị đạo diễn gốc Huế tâm sự, ông có tình yêu mãnh liệt với Hà Nội nên dù đi đâu xa cũng luôn nhớ về mảnh đất này.
Làm nghệ thuật phải khác với chính mình
- Phóng viên: Chào NSND Đặng Nhật Minh. Phải hơn 10 năm kể từ sau phim “Đừng đốt”, khán giả mới thấy ông trở lại và lần này là “Hoa nhài”. Lý do gì thôi thúc một đạo diễn ở tuổi ngoài “bát thập” quyết định trở lại với phim trường như vậy?
- Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Thật ra có một hãng phim ở Huế thấy lâu tôi không làm phim nên ngỏ ý để tôi có thể quay lại nghề cho đỡ nhớ. Bộ phim “Hoa nhài” mà bạn vừa nhắc đến được làm với nguồn kinh phí xã hội hóa khá hạn hẹp, nhưng không phải phim do Nhà nước đặt hàng. Vì thế tôi cũng nhẩn nha làm, không có áp lực gì cả. Thời điểm bắt tay vào làm “Hoa nhài”, tôi mong bộ phim sẽ phần nào cho mọi người thấy Hà Nội hiện tại vẫn còn cốt cách “chẳng thơm cũng thể hoa nhài” của người Tràng An dù từ lâu đây là mảnh đất mà người tứ xứ đổ về. Phim phác họa nên bức tranh về mối quan hệ giữa con người với con người trong vòng xoáy nhịp sống đô thị hiện đại. Trong đó có cả những người từ nông thôn ra Hà Nội kiếm sống, sự rộng lòng cưu mang, giúp đỡ của những người Hà Nội, từ một em bé đánh giày, một ông thợ cắt tóc, một ông giáo già dạy hát cho các em nhỏ trong dàn đồng ca khiếm thị… Thực tế bộ phim không phải để ca ngợi sự thanh lịch của người Hà Nội mà chủ yếu nói về lòng nhân ái, sự quan tâm đùm bọc lẫn nhau của những người Hà Nội.
- Bộ phim này được phát triển từ cuốn truyện vừa cùng tên được ông ra mắt cách đây 7 năm. Ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng đưa câu chuyện từ sách lên màn ảnh rộng không?
- Tôi có một thói quen là khi ấp ủ, thai nghén chủ đề nào đó, đến lúc cảm thấy chín muồi thì sẽ ghi lại trên giấy bằng hình thức truyện ngắn hoặc truyện vừa trước. Với tôi thì việc viết lách cũng không có gì mới mẻ cả. Còn ở góc độ làm phim, để viết kịch bản cần rất nhiều thời gian và kinh phí. Thậm chí con số này rất lớn, không phải lúc nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Tôi chọn viết truyện vì đây là cách nhanh nhất để câu chuyện của mình có thể tới với mọi người. Đó là cách làm từ xưa mà tôi vẫn giữ cho tới hiện nay. Với “Hoa nhài” thì câu chuyện cũng phù hợp để chuyển thể thành phim với kinh phí sản xuất hạn chế. Bởi vậy, tôi quyết định làm phim dựa trên tác phẩm này.
Bao giờ mọi thứ thật ưng ý thì mới bấm máy
- Nếu để nói về sự khác biệt giữa “Hoa nhài” với các tác phẩm điện ảnh có quy mô và kinh phí sản xuất lớn mà ông từng làm thì sự khác biệt đó là gì?
- Năm 2009, sau khi làm xong bộ phim điện ảnh “Đừng đốt” về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi đã có thời gian để nghỉ ngơi, nhìn lại các phim mà mình từng làm, đồng thời cũng tìm tòi thêm các đề tài, cách diễn đạt mới để không lặp lại chính mình. Cũng trong khoảng thời gian tôi nghiệm ra rằng, đã làm nghệ thuật thì phải khác, không chỉ khác với những người khác mà phải khác với cả chính mình. Tuy nhiên, thời gian cũng khiến sức khỏe của tôi không còn được như trước. Có điều, làm phim bây giờ không đòi hỏi sức lực cơ bắp. Tôi ra phim trường chỉ đạo, giám sát qua màn hình, cần điều chỉnh thì đã có đội ngũ cộng sự và trợ lý giúp đỡ. Quan trọng là tinh thần khỏe khoắn, đầu óc minh mẫn, tỉnh táo. Tôi vẫn giữ nguyên tắc làm phim là khi ra phim trường, bao giờ mọi thứ thật ưng ý thì mới bấm máy.
- Trong các bộ phim của mình, ông thường chọn những gương mặt không nổi tiếng hay những “ngôi sao”. Với “Hoa nhài” cũng vậy. Đó cũng là nguyên tắc làm phim mà ông đặt ra hay có tiêu chí nào riêng khác không?
- Tôi chọn diễn viên phù hợp với nhân vật mà mình hình dung ngay từ khi đặt bút viết truyện, viết kịch bản phim. Ngoài ra tôi không có tiêu chí gì đặc biệt cả. Tôi cảm thấy gương mặt nào phù hợp với vai diễn thì tôi mời họ. Việc tìm kiếm diễn viên thì cũng có bộ phận chuyên trách lo rồi. Tôi đưa ra những yêu cầu cho từng vai diễn, họ sẽ lựa chọn những gương mặt, sau đó tôi sẽ quyết định chọn ai vào vai nào. Chỉ có vậy thôi!
Mong vậy thôi chứ làm được khó lắm
- Nhiều năm gần đây, ghi nhận sự phát triển ồ ạt của các bộ phim thuộc dòng giải trí, thương mại. Còn trước kia, phim được làm với kinh phí hạn chế, công nghệ cũng thô sơ nhưng nhiều phim lại gây tiếng vang trên trường quốc tế. Hoạt động lâu năm trong lĩnh vực điện ảnh, ông nhận xét thế nào về điều này?
- Ngày xưa, chúng tôi làm phim không bị áp lực doanh thu hay thị hiếu khán giả, cũng không bị chi phối về mặt thời gian, tiến độ. Những người làm phim như chúng tôi chỉ chú tâm, dốc hết sức lực để làm sao có được một bộ phim hay, chỉn chu theo mức độ đam mê nghề và cả lương tâm nghề nghiệp. Cũng có thể vì vậy nên trước kia mọi người thấy có nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng và được đánh giá cao. Còn ở thời nay, để làm ra một bộ phim có vô số những áp lực.
Người ta làm phim không chỉ vì bản thân mình thích mà chủ yếu là vì khán giả thích. Công bằng mà nói, khán giả mê phim thời của chúng tôi chủ yếu là những người ở lứa tuổi 40 - 50 - 60, thậm chí là 70 tuổi. Họ là những người giữ vị trí kinh tế chủ chốt trong gia đình nên có nhu cầu xem những thước phim sâu sắc về cuộc đời, khắc họa chiều sâu tâm tư, tình cảm của con người, hiểu về những người sống cùng thời đại với mình. Bây giờ thì khác, khán giả xem phim chủ yếu là lớp trẻ, xem với nhu cầu giải trí, nhiều khi không thấy có yếu tố giải trí thì không xem. Đối tượng khán giả có sự thay đổi thì cách làm phim cũng sẽ phải điều chỉnh theo. Chúng ta thường nói là phải dung hòa giữa tính giải trí và tính nghệ thuật, nhưng đó là chuyện ta mong vậy thôi chứ làm được khó lắm, được cái nọ thì mất cái kia.
- Có ý kiến cho rằng, nếu các nhà sản xuất chỉ chú tâm chiều theo thị hiếu của lượng khán giả trẻ đang áp đảo hiện nay thì điện ảnh Việt Nam sẽ “dậm chân tại chỗ”. Ông nghĩ sao về điều này, thưa đạo diễn?
- Đó cũng là một ý kiến cần phải suy ngẫm. Tôi nghĩ chúng ta nên có biện pháp để nâng cao trình độ của chính lượng khán giả đang chiếm số đông này. Tôi luôn thắc mắc, học sinh của chúng ta, trong giáo trình phổ thông được học văn học, được tiếp cận nhiều bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, thậm chí cả sân khấu, nhưng tại sao điện ảnh lại không? Lenin cũng từng nói “điện ảnh là bộ môn quan trọng nhất trong các loại hình nghệ thuật” cơ mà? Nâng cao trình độ thẩm mỹ điện ảnh cho đối tượng khán giả trẻ thì tự nhiên điện ảnh cũng phải nâng cao theo, đó là quy luật tất yếu.
Thời bao cấp, chúng ta có mô hình câu lạc bộ điện ảnh ở các rạp chiếu. Ở đó, khán giả được xem các phim đặc sắc, được tiếp cận nhiều thể loại phim, được bình luận và phân tích phim cũng như giao lưu với các đoàn phim, nghệ sỹ. Điều này góp phần giúp nâng cao trình độ khán giả, đa dạng nhu cầu thưởng thức cũng như khiến họ gần gũi hơn với điện ảnh, với nghệ sỹ. Hiện nay, mô hình này tôi không thấy. Nên chăng, chúng ta nên phục hồi những mô hình và cách làm này?