'Đánh thức' tiềm năng du lịch Long Xuyên

Đô thị Long Xuyên (tỉnh An Giang) được biết đến với nếp sống sôi động vừa phải, hiền hòa vừa phải, soi bóng bên dòng Hậu Giang trĩu nặng phù sa. Nhưng nơi đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng như bất kỳ địa phương khác trong tỉnh. Cùng với đó, nhiều di tích có giá trị văn hóa - lịch sử; điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi phát triển du lịch (DL) sinh thái…

“Cô gái xuân thì”

Trải dài trăm năm bên sông Hậu, Long Xuyên nức tiếng xa gần bởi chợ nổi nhộn nhịp, không thua kém chợ nổi ở xứ khác trong cánh miền Tây. Chợ nổi Long Xuyên trở thành điểm đến không thể bỏ qua dành cho du khách ngoài tỉnh và khách quốc tế. Còn gì thú vị bằng việc thức dậy thật sớm, tờ mờ sáng đến bến phà Ô Môi, chậm rãi ngồi trên đò, lắc lư đón bình minh giữa sông. Nắng vừa lên, bụng vừa đói, lại được kịp thời trải nghiệm bữa ăn sáng chòng chành sóng nước.

Lá phổi xanh của thành phố chính là vườn cây ăn trái, khu vực trồng hoa màu, rau củ, cây ăn quả trên địa bàn xã Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng, phường Mỹ Hòa, Mỹ Thới - các địa phương gắn với kênh, rạch chằng chịt. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình DL sinh thái nông nghiệp, DL cộng đồng trong nội ô thành phố.

Bên cạnh đó, Long Xuyên rất giàu tiềm năng phát triển loại hình ẩm thực ven sông, du thuyền, thưởng thức đặc sản địa phương trên sông. Loại hình ấy tựa như ăn sáng trên chợ nổi, nhưng ở cấp độ cao hơn, chuyên nghiệp và đầu tư bài bản hơn.

Chợ nổi Long Xuyên

Chợ nổi Long Xuyên

Ngoài lợi thế sông nước, địa phương mang trong lòng 9 di tích được xếp hạng, gồm: Di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (Bắc Đế Miếu, đình Mỹ Phước) và 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (Khu di tích cách mạng Mỹ Khánh, đình Bình Đức, chùa Đông Thạnh, chùa Phước Thạnh, đình Mỹ Thới, đình Mỹ Hòa Hưng). Gắn bó theo chiều dài hình thành và phát triển vùng đất này là những làng nghề truyền thống, đặc sản, ẩm thực địa phương, để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Nhận thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực DL, Nghị quyết 02-NQ/TU, ngày 20/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Long Xuyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định quan điểm: “Phát triển kinh tế xứng tầm với vai trò đầu tàu kinh tế của tỉnh, ưu tiên phát triển mạnh mẽ lợi thế là trung tâm dịch vụ DL hiện đại, đặc biệt là dịch vụ phục vụ khách DL”.

Từ đó, nhiều hoạt động, sự kiện lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thường xuyên, từng bước nâng cao nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần cho quần chúng Nhân dân trên địa bàn thành phố. Các di tích lịch sử - văn hóa được đầu tư trùng tu, tôn tạo đúng quy định. Cán bộ xã, phường, nhân viên đang làm việc tại khu, điểm DL, điểm tham quan; hộ sinh thái vườn, hộ kinh doanh loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) được tập huấn, nâng cao kiến thức và kỹ năng DL.

Bứt phá xứng tầm

Hiện nay, chất lượng dịch vụ DL trên địa bàn từng bước được nâng cao. Toàn thành phố có 42 cơ sở lưu trú DL (3 khách sạn 3 sao; 3 khách sạn 2 sao; 11 khách sạn 1 sao và 25 cơ sở đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất) với 1.317 phòng.

Hoạt động DL nhận được sự tham gia của 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 3 chi nhánh dịch vụ lữ hành, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, lưu trú của du khách gần xa. Hàng năm, địa phương thu hút khoảng 140.000 lượt khách; 64.000 lượt lưu trú, doanh thu hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực DL ở TP. Long Xuyên vẫn chưa được khơi dậy, phát huy đúng mức. Địa phương vẫn chưa thật sự trở thành nơi thu hút khách DL đông đảo, “níu chân” họ lưu trú lâu hơn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho rằng, địa phương nên tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ DL từ nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa; đề xuất UBND tỉnh ban hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư trong lĩnh vực DL trên địa bàn tỉnh, trong đó có TP. Long Xuyên để mời gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược đến phát triển dịch vụ DL, đặc biệt là dịch vụ DL chất lượng cao, gắn với khu đô thị ven sông, khu bãi bồi, cù lao ven sông...

“Cùng với đó, cần phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực DL, củng cố nhân lực tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ DL, khu, điểm DL, điểm tham quan của thành phố, từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khách DL.

Phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương, phát triển đồng bộ các loại hình DL theo hình thức hội nghị - hội thảo; DL sinh thái sông nước - nghỉ dưỡng. Xây dựng sản phẩm DL đa dạng, cạnh tranh trên cơ sở phát huy tài nguyên DL độc đáo, mang bản sắc riêng của thành phố.

Đặc biệt là các dịch vụ DL ẩm thực về đêm kết hợp tham quan, trải nghiệm DL sông nước, di sản đờn ca tài tử; tham quan trải nghiệm mô hình DL nông nghiệp tại địa bàn tiềm năng (xã Mỹ Hòa Hưng, Mỹ Khánh)” - ông Nguyễn Khánh Hiệp gợi mở.

Ngoài ra, một giải pháp hữu hiệu là tăng cường hoạt động thể thao, giải trí gắn với phát triển DL; thường xuyên phối hợp sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển lãm, thương mại dịch vụ, ẩm thực cuối tuần, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để thu hút, giữ chân du khách đến với thành phố. Đó có thể là những món ăn đặc sản, món ăn dân dã đặc trưng của miền Tây Nam Bộ; một số loại hình vui chơi, giải trí khác phục vụ du khách vào ngày lễ, Tết…

Để khai thác, phát triển loại hình DL đường sông kết hợp khai thác thương mại - dịch vụ DL trên địa bàn, UBND TP. Long Xuyên tham mưu tỉnh cho chủ trương đầu tư dự án bến tàu DL, xây dựng và triển khai Đề án phát triển DL dựa vào cộng đồng tại xã Mỹ Hòa Hưng, gắn với chợ nổi...

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/danh-thuc-tiem-nang-du-lich-long-xuyen-a396410.html