Đánh giá lại tiêu chí 'người tài' khi tuyển công chức
Liên quan tới chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, tại phiên thảo luận tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội diễn ra chiều nay, các đại biểu đề nghị làm rõ về nội dung 'khung tiêu chí xác định 'người có tài năng' để tuyển dụng vào bộ máy công quyền bởi có nhiều người được gọi là 'nhân tài' nhưng kết quả làm việc không tốt.
Cùng tham gia họp tổ Hà Nội, có Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP; Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch HĐND TP. Nguyễn Ngọc Tuấn.
Tại Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), nêu rõ công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng.
Tuy nhiên theo các đại biểu, nội dung về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cần phải được làm rõ, bởi nhiều nhân sự có thể có kết quả học tập tốt, được coi là nhân tài ở môt lĩnh vực đào tạo nhưng khi đặt vào vị trí việc làm lại không phát huy được thế mạnh của mình, thậm chí nhiều người phải mất thời gian đào tạo lại.
Ông Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết: "Tôi đề nghị phải có quy định về thời gian thử việc cho tất cả các vị trí tuyển dụng. Có là nhân tài chăng nữa, đúng thực sự người ta là nhân tài. Nhưng tuyển vào một vị trí việc làm ổn định chưa chắc đã phù hợp. Và như vậy thì phải có một thời gian khoảng chừng 6 tháng cho người ta thích nghi công việc. Và như vậy ở đây, không có tập sự nhưng phải có một thời gian gọi là thử việc".
Theo các đại biểu, cần thống nhất cụm từ “nhân tài” với cụm từ “người có tài năng”. Các văn kiện của Đảng đều nói về nhân tài, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành QĐ số 889 năm 2023 về Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Cho nên dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi lần này cũng nên thống nhất gọi là chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Nhân tài còn được hiểu là những người có phẩm chất, có tinh thần cống hiến, có năng lực vượt trội, có sản phẩm, có công trình đóng góp vào sự phát triển của ngành, của đất nước, địa phương.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phân định chính sách thu hút nhân tài với chính sách trọng dụng nhân tài là hai chính sách khác nhau.
Ông Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết: "Nhiều yếu tố nhưng có yếu tố tuyển chọn. Thứ hai là vị trí việc làm, lượng hóa khó. Nên vị trí việc làm buộc phải dùng từ này. Nhân tài nên thay từ khác ví dụ năng khiếu, kỹ năng, tôi nghĩ nó phù hợp hơn".
Trước đó, liên quan đến nội dung này, vào sáng nay, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đã nêu một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung tiêu chí xác định “người có tài năng” để tránh việc áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ Nội vụ, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành để thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với yêu cầu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tập trung quản lý phát triển để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.