Đang tắm biển gặp cá heo thì phải làm gì?

Đối với người dân tắm biển, để tránh các rủi ro cá voi, cá heo tưởng nhầm người tắm biển là con mồi thì không nên tắm biển vào những lúc thời tiết xấu, trời nhiều mây mù.

Trưa nay (27/5), nhiều người dân phát hiện một con cá heo bơi sát bãi tắm Trung Lương (TT. Cát Tiến, H. Phù Cát, Bình Định). Theo nội dung video người dân ghi lại, một con cá heo dài khoảng gần 2 m lượn lờ ở khu vực bãi tắm Trung Lương. Thời điểm người dân nhìn thấy vào khoảng 11 giờ trưa 27/5. Con cá được phát hiện trong tình trạng khỏe mạnh, bơi ở vùng nước nông sát bãi tắm một lúc thì bơi ra xa rồi biến mất. Ngay khi phát hiện con cá heo, nhiều người dân đã không giấu được sự phấn khích.

Trong những năm qua, người dân Bình Định đã nhiều lần nhìn thấy cá heo, cá voi ở gần bờ biển. Một số người quan niệm cho rằng đây chính là dấu hiệu của điềm lành.

Con cá heo bơi sát bãi tắm trưa nay được người dân ghi lại ở Bình Định.

Con cá heo bơi sát bãi tắm trưa nay được người dân ghi lại ở Bình Định.

TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, cá voi hay cá heo xuất hiện ở vùng biển Việt Nam là hiện tượng bình thường. Hàng năm không hiếm các cá thể cá voi hay cá heo dạt vào bờ.

Theo TS Bền, chưa có căn cứ khoa học nào về việc cá voi chỉ xuất hiện ở vùng biển này mà không ở nơi khác. Vào mùa này hàng năm, những loại cá nhỏ (nguồn thức ăn) theo dòng nước vào bờ nên thu hút cá heo vào kiếm ăn. Việc xuất hiện cá heo là tín hiệu tốt, ít nhất cho thấy môi trường sống của nó không bị tác động quá nhiều và khu vực đó vẫn còn thức ăn nên cá di chuyển đến kiếm ăn.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cá voi thường có hình dáng to lớn, có khi nặng đến cả chục tấn, trong khi cá heo chỉ khoảng vài chục kg/con. Đây đều là những loài cá lành, không chủ động tấn công người nên khi gặp chúng trên biển, người dân hoàn toàn yên tâm. Chỉ lưu ý không được hoảng sợ la hét hay đùa giỡn quá trớn đối với đàn cá.

Đối với người dân tắm biển, để tránh các rủi ro cá voi, cá mập tưởng nhầm người tắm biển là con mồi thì không nên tắm biển vào những lúc thời tiết xấu, trời nhiều mây mù. Không bơi ra xa một mình hoặc không tắm ở những bãi biến quá vắng người. Không mặc những đồ có màu sắc và hình dạng lấp lánh giống như vảy cá vì loại trang phục này sẽ thu hút sự chú ý của cá. Khi trên người có vết xước hoặc chảy máu thì không tắm biển, hoặc chỉ tắm ở gần bờ.

Theo người dân địa phương, hầu như năm nào vùng biển này cũng có cá voi xuất hiện một hai ngày, riêng năm nay ở lại lâu hơn. Chuyên gia lý giải, thường chỉ ở vài ngày có hai khả năng, một là chúng bắt hết mồi rồi di chuyển qua vùng khác, hai là ngư dân đánh bắt cá khiến cá mồi giảm nhanh nên thời gian cá voi ở khu vực ngắn lại.

Cá heo không phải loài dữ, không cố tình tấn công con người, song nếu cá đang há miệng đớp mồi thì tốt nhất tránh đối đầu, đuôi cá heo được coi là vũ khí để chúng chống lại kẻ thù như các loài cá mập hoặc cá heo sát thủ. Khi đập mạnh xuống, đuôi có thể gây thương tích. Tốt nhất nên rời khỏi khu vực của cá heo khi thấy chúng.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dang-tam-bien-gap-ca-heo-thi-phai-lam-gi-169240527170449045.htm