Đảng chịu sự giám sát của nhân dân - Gốc vững, cây bền, muôn sự đều nên: Bài 4: Dựa vào nhân dân, nhân lên nguồn sức mạnh của Đảng

Nâng cao hiệu quả, đưa yêu cầu 'dân giám sát' trở thành một phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, chính là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ, có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Bài 1: Định rõ đường lối, kiên trì hoàn thiện chủ trương

Bài 2: Chủ động, sáng tạo từ cơ sở, đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Bài 3: Thiết thực, trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ

Bài 5: Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động

Đoàn giám sát Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) giám sát Công an quận Tân Bình về công tác quản lý nhà trọ.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng là gắn bó mật thiết và chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng được thể hiện ngày càng cụ thể và rõ nét. Trong các nghị quyết, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về công tác cán bộ đều có đề cập đến việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ; yêu cầu chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Coi trọng tiếp thu ý kiến của nhân dân

Thực hiện một trong những giải pháp về xây dựng Đảng được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 27/12/2013).

Theo Quy định này, nhân dân trực tiếp và thông qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, phản ánh, góp ý đối với cấp ủy đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Nội dung góp ý là các dự thảo nghị quyết của Đảng; việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương ghi nhận cấp ủy đảng, chính quyền và MTTQ các cấp đã chủ động triển khai Quyết định 218-QĐ/TW, chú trọng phát huy dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội. Trong 10 năm, MTTQ và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp ở Quảng Bình đã thực hiện 20.388 cuộc góp ý đối với tổ chức đảng, cơ quan chính quyền, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và góp ý với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trương Văn Hởi, tỷ lệ các ý kiến, góp ý được tiếp thu là hơn 96%, trong đó có những ý kiến được cấp có thẩm quyền đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh giải thích rõ trước khi ban hành. Thông qua lăng kính của MTTQ, cơ quan có thẩm quyền có cái nhìn khách quan, toàn diện, cụ thể, sát thực tiễn và bảo đảm quyền lợi của nhân dân khi ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo, điều hành.

Tại tỉnh Ninh Thuận, cùng với giám sát thường xuyên việc các cơ quan chức năng thực hiện nội dung thông báo kết luận sau các cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy với nhân dân, hằng quý, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động tập hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng và hợp pháp của nhân dân báo cáo, phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền. MTTQ các cấp trong tỉnh chủ động phân công cán bộ, lãnh đạo trực tiếp ghi nhận và tổng hợp ý kiến của các ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp và nhân dân theo địa bàn phụ trách; kết quả khảo sát, nghiên cứu thực tiễn của các hội đồng tư vấn làm cơ sở góp ý thường xuyên đối với hoạt động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đồng thời kiến nghị chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm. Chính quyền các cấp đều đặt “hòm thư góp ý” tại trụ sở làm việc; công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) tổ chức đối thoại với hơn 300 đại biểu nhân dân, ghi nhận 125 ý kiến, kiến nghị, đề xuất. Các xã trong huyện tổ chức 30 hội nghị đối thoại với hơn 3.000 người dân, ghi nhận 375 lượt ý kiến. Huyện ủy còn tổ chức gặp mặt các chức sắc tôn giáo, già làng, người có uy tín trong cộng đồng, đối thoại với cán bộ MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Phú Riềng Nguyễn Thị Xuân Hòa nhớ lại: Qua đối thoại với nhân dân, thấy rõ khó khăn của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Thường trực Huyện ủy thống nhất lập các tổ tình nguyện, gồm: Cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Phú Riềng, đoàn viên thanh niên và đại diện chính quyền cấp xã để hỗ trợ người dân. Thứ bảy và chủ nhật, lực lượng tình nguyện mang theo các thiết bị chuyên dụng xuống các xã.

Bí thư Huyện ủy cùng lãnh đạo UBND huyện cũng đến từng địa bàn, chỉ đạo rà soát kỹ các trường hợp người dân tộc thiểu số chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó phân loại, đo đạc lại các thửa đất; hồ sơ nào cần bổ sung giấy tờ, bộ phận tư pháp xã và các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ người dân hoàn thiện. Trong quá trình làm vướng ở đâu, tháo gỡ ở đó, hồ sơ nào hoàn thiện trước thì nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với cách làm này, trong thời gian ngắn, huyện đã hoàn thành cấp 403 giấy chứng nhận cho đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã: Phước Tân, Long Hà và Phú Riềng.

Dân biết, dân bàn, dân giám sát cán bộ

Đảng đã có chủ trương và nhiều quy định để phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách trực tiếp, hiệu quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng sự tham gia góp ý, giám sát của nhân dân đối với cán bộ và công tác cán bộ, góp phần hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân. Bởi năng lực, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên có tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng.

Với tinh thần cầu thị, thật sự mong muốn nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Đảng đã ban hành các quy định, cơ chế xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ để nhân dân dễ dàng nhận diện, giám sát.

Tại Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017, ban hành hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Bí thư đã yêu cầu công khai nhiều nội dung, trong đó có kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng; nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về “giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng sau khi tiếp nhận báo cáo, phản ánh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, chậm nhất 20 ngày phải có thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết.

Với phạm vi giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc và nơi sinh hoạt, cư trú trên địa bàn khu dân cư, nhân dân tin tưởng, chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, phát huy ngày càng tốt hơn quyền và trách nhiệm trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Nghiêm túc, bài bản là cách làm của Bắc Kạn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hóa 27 biểu hiện về suy thoái nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thành 135 biểu hiện suy thoái, cụ thể, chi tiết, giúp cán bộ, đảng viên dễ rà soát, đối chiếu, tự phê bình và phê bình, đồng thời giúp nhân dân dễ dàng nhận diện và giám sát. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp các đoàn thể chính trị-xã hội xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn về quy trình, cách thức thực hiện giám sát, ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức 130 hội nghị tuyên truyền với 2.600 lượt người tham gia…

Lựa chọn nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát phù hợp, sát thực tiễn là cách làm hiệu quả của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh. Bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế địa phương, nhất là những nội dung nhân dân quan tâm để lựa chọn đối tượng, nội dung giám sát, năm 2021, MTTQ tỉnh tổ chức giám sát đối với 36 đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và năm 2022, tổ chức giám sát đối với 61 đồng chí là giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành.

Các đoàn giám sát đã tiến hành thẩm định, xác minh tại nơi làm việc là cơ quan UBND huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành và tại các chi bộ nơi các đồng chí được giám sát cư trú; làm việc với đại diện cấp ủy và các đồng chí được giám sát để thống nhất nội dung kết luận sau giám sát.

Năm 2023, MTTQ tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành Chương trình giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 với 18 đại biểu, theo hình thức kết hợp vừa nghiên cứu, xem xét báo cáo vừa tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, Ban Tiếp công dân, MTTQ các địa phương và lấy ý kiến nhận xét của các chi bộ nơi cư trú.

Đổi mới, sáng tạo là cách làm của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 1/12/2017, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định 1374-QĐ/TU về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định này xác định thông tin phản ánh được xem xét, xử lý từ 4 nguồn, gồm: Ý kiến của cử tri; giám sát của cơ quan dân cử; thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị-xã hội, hoạt động giám sát của MTTQ các cấp; phản ánh của báo chí. Quy định số 1374-QĐ/TU đã tạo ra cơ chế chỉ đạo xem xét, xử lý liên ngành, liên thông, vừa chỉ đạo giải quyết các thông tin phản ánh vừa xem xét trách nhiệm của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tất cả các thông tin phản ánh có cơ sở xác định cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chức trách, nhiệm vụ được giao thì đều phải được chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm. Người dân có thể phản ánh trực tiếp đến cấp ủy, chính quyền các cấp và các thông tin phản ánh này được tiếp nhận, xử lý theo quy trình chặt chẽ. Quy trình này yêu cầu các cơ quan phải giải quyết thỏa đáng những phản ánh, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đồng thời phải xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra những vi phạm.

Cấp ủy các cấp trên địa bàn thành phố đã thành lập Tổ công tác 1374 do bí thư cấp ủy làm tổ trưởng. Sau 5 năm, cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ thành phố đã tiếp nhận 9.820 thông tin phản ánh, trong đó đã xử lý 9.705 thông tin (đạt tỷ lệ 98,83%).

Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp đã xem xét, xử lý kỷ luật 8 tổ chức đảng và 378 đảng viên; xử lý về chính quyền đối với 435 trường hợp (khiển trách 203 trường hợp; cảnh cáo 86 trường hợp; cách chức 29 trường hợp; 117 trường hợp kéo dài thời gian nâng bậc lương, giáng cấp, chuyển công tác, buộc thôi việc, sa thải); chuyển cơ quan chức năng xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự 9 trường hợp.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cách làm này đã thật sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào những ý kiến đóng góp và giám sát của nhân dân để xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là định hướng lớn của Đảng, đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nhân lên nguồn lực sức mạnh của Đảng.

Thực tiễn khẳng định và đặt ra yêu cầu cùng với việc Đảng xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chủ trương, cần có sự tin tưởng, đồng thuận và tham gia tích cực của nhân dân, là điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Nhân Dân

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dang-chiu-su-giam-sat-cua-nhan-dan-goc-vung-cay-ben-muon-su-deu-nen-bai-4-dua-vao-nhan-dan-nhan-len-nguon-suc-manh-cua-dang-191938.html