Dân vận khéo ở Mé Gióng

Thực hiện các nội dung phong trào thi đua 'Dân vận khéo' đã tạo nên sự đổi thay từ nhận thức đến hành động của nhân dân bản Mé Gióng (xã Ka Lăng, huyện Mường Tè). Bà con phát huy nội lực, phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Bản Mé Gióng có 124 hộ dân, 100% đồng bào Hà Nhì sinh sống và được biết tới là điểm sáng của xã trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước của địa phương. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất mang lại năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, thay đổi thói quen thả rông gia súc, gia cầm, đầu tư chuồng trại, chú trọng công tác thú y, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được xã gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó, dân bản hiến đất, ngày công lao động xây dựng các công trình phúc lợi, giao thông nông thôn, trong đó nhiều cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên phong hiến đất như: Mạ Lý Phạ, Phùng Hà Lòng, Mạ Gó Po...
Trò chuyện với chúng tôi, đảng viên Mạ Gó Po chia sẻ: “Xây dựng hệ thống điện, trường, trạm, nhà văn hóa bản, giao thông nông thôn, bản được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua vật liệu xây dựng, dân bản bảo nhau hiến đất, ngày công lao động chung sức thực hiện. Với tuyến đường nội đồng dài hơn 5km, tôi bàn với các con quyết định hiến 400m2 nương trồng sả của gia đình cho chính quyền địa phương. Dân bản đi lại để sản xuất, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn trước rất nhiều”.

Người dân bản Mé Gióng (xã Ka Lăng) tích cực vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp.

Người dân bản Mé Gióng (xã Ka Lăng) tích cực vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch, đẹp.

Đến nay, bản Mé Gióng có hơn 1km đường nội bản bê-tông hóa; 3 tuyến đường nội đồng, với tổng chiều dài khoảng 15km được đầu tư xây dựng; giao thông thuận lợi, cuộc sống của người dân cải thiện. Cùng với đó, các công trình phúc lợi được nhân dân đóng góp công sức, tiền của đầu tư xây dựng; nhà văn hóa tu sửa khang trang, đảm bảo phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, công việc chung của bản. Đảng viên gương mẫu nuôi nhốt trâu, bò xa nhà, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng; thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường nội bản, tạo cảnh quan sạch, đẹp. Chăn nuôi phát triển, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của bản lên hơn 30 triệu đồng/năm.
Bà con nêu cao ý thức gìn giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, tiếng nói của dân tộc. Phụ nữ dân tộc Hà Nhì duy trì thói quen mặc trang phục truyền thống hằng ngày. Trò chơi dân gian; bài múa, hát truyền thống được luyện tập, biểu diễn, thi đấu tại sự kiện quan trọng của bản, của xã, tạo sân chơi bổ ích, thu hút đông đảo nhân dân tham dự, thể hiện tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Chị Chu Nhù Pư tâm sự: Là người con dân tộc Hà Nhì tôi rất tự hào. Tôi và bà con trong bản nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Thường xuyên tập luyện văn nghệ để biểu diễn trong dịp lễ, tết, ngày hội văn hóa ở địa phương cũng như giao lưu với các dân tộc khác trong huyện”.
Chi bộ bản nâng cao năng lực lãnh đạo nhân dân thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Đến nay, 100% số hộ dân trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa, 60% số hộ di dời chuồng gia súc xa nhà ở; 56% số hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản giữ vững và ổn định. Hằng năm, 100% đảng viên của chi bộ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Nhiều năm liền, Chi bộ bản Mé Gióng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 3 năm liền được Đảng bộ xã Ka Lăng tặng Giấy khen “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
Đồng chí Phùng Xì Che - Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng khẳng định: “Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở bản Mé Gióng diễn ra sôi nổi, hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Tạo nền tảng quan trọng để xã tiếp tục nhân rộng ra các bản, dân tộc khác trên địa bàn”.

Gió Pư

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/d%C3%A2n-v%E1%BA%ADn-kh%C3%A9o-%E1%BB%9F-m%C3%A9-gi%C3%B3ng