Dân Trung Quốc lạnh cóng vì chủ trương bỏ than để dùng khí đốt

Nhằm giảm ô nhiễm không khí, Trung Quốc đã mở chiến dịch kêu gọi người dân chuyển từ đốt than sang dùng khí đốt sưởi ấm vào mùa đông. Nhưng giá khí đốt tăng cao, cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt chưa hoàn thiện và nguồn cung không đủ đã khiến những hộ dân sống ở phía bắc Trung Quốc đang phải sống trong tình trạng lạnh cóng.

Một công trình thi công đường ống dẫn khí đốt ở ngoại thành thủ đô Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Trong khi những người thuộc tầng lớp trung lưu ở thủ đô Bắc Kinh được hưởng nguồn không khí sạch nhất trong mùa đông những năm qua, thì cư dân tại thành phố Trác Châu (tỉnh Hà Bắc) cách Bắc Kinh 20 phút đi xe lửa đang run rẩy vì lạnh mà không được sưởi ấm.

Vì chương trình giảm ô nhiễm của Trung Quốc, các vùng nông thôn miền bắc chuyển từ dùng than sang dùng nhiên liệu sạch sưởi ấm, nhưng chiến dịch này đã đẩy giá khí đốt tăng cao trong khi nhiều người đã không còn hệ thống sưởi ấm đốt than nữa.

Ở hai làng gần ga xe lửa cao tốc Trác Châu, chỉ có một phần ba các hộ gia đình đã được kết nối với hệ thống cung cấp khí đốt, số còn lại cho biết họ vẫn đang chờ công ty khí đốt lắp đặt lò sưởi. Tất cả lò sưởi đốt than của họ đã bị phá hủy khi chính quyền đẩy mạnh công tác loại bỏ sử dụng than tại nông thôn.

Khi nhiệt độ giảm xuống còn -6 độ C, người dân ở đây cho biết “ban đêm lạnh không chịu nổi”, đặc biệt là với người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Một công nhân vệ sinh chia sẻ ông phải đốt củi để sưởi ấm. Còn theo một bà mẹ giấu tên: “Trời rất lạnh, nhưng chúng tôi không thể làm gì khác ngoài chờ đợi (được lắp lò sưởi đốt khí)”.

Ngoài ra, nhu cầu tăng đột biến còn ảnh hưởng những người dùng khí đốt hiện tại. Một tài xế taxi họ Phùng cho hay: “Không có khí đốt sưởi ấm từ 7 tối đến rạng sáng hôm sau. Nguồn khí dùng cho nấu ăn cũng không ổn định”.

Một bệnh viện ở thành phố Bảo Định (Hà Bắc) đã gửi thư phàn nàn đến chính quyền khi chỉ được cấp 2.700 mét khối khí đốt/ ngày trong khi bệnh viện này yêu cầu đến 20.000 mét khối. Thư viết: “Một khi việc hạn chế cấp khí đốt được áp dụng, hoạt động của bệnh viện không thể được duy trì như bình thường, tính mạng của những bệnh nhân tình hình nghiêm trọng và của trẻ sơ sinh không thể được đảm bảo”

Ngày 28.11 vừa qua, chính quyền tỉnh Hà Bắc đã phải đưa ra báo động cam về cung cấp khí đốt. Đây là mức độ thứ 2 trong hệ thống báo động 4 mức, cho thấy nguồn cung thấp hơn 10-20% nhu cầu sử dụng, gây ảnh hưởng tương đối lớn đến hoạt động kinh tế- xã hội. Để giải quyết chuyện này, giới chức địa phương cam kết sẽ cắt giảm nguồn cung cho các nhà máy công nghiệp và ưu tiên cho khu dân cư và các công trình cộng đồng như trường học và bệnh viện.

Không chỉ có Hà Bắc, các tỉnh lân cận gồm Sơn Đông, Sơn Tây... cũng gặp tình trạng thiếu khí đốt tương tự, tờ The Guardian cho biết.

Giải quyết ô nhiễm không khí

Do ồ ạt phát triển công nghiệp mà đặc biệt là công nghiệp sắt và thép, các khu vực quanh thủ đô Bắc Kinh trở thành nơi ô nhiễm nhất Trung Quốc. Chất lượng không khí ở đây, vốn rất xấu do khí thải từ nhà máy và xe hơi, vào mùa đông càng tệ hơn vì người dân đốt than sưởi ấm.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu giảm mức PM 2,5 tại thủ đô Bắc Kinh từ 90 microgam/mét khối xuống còn 60 microgam/mét khối vào cuối năm 2017, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mức trung bình hằng năm chỉ nên khoảng 10 microgam/mét khối. Chỉ số PM 2,5 là mật độ số hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet trong 1 mét khối không khí.

Thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc liền kề có chất lượng không khí tệ hơn Bắc Kinh cũng đươc yêu cầu phải giảm 25% mức PM 2,5.

Thành phố Bắc Kinh chìm trong khói bụi ô nhiễm - Ảnh: Tân Hoa Xã

Giảm sản lượng sắt thép dư thừa, mở các chiến dịch kiểm soát và hạn chế sử dụng xe cá nhân đem lại kết quả không đáng kể. Số liệu thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy đến cuối năm 2016, mức PM 2,5 hằng năm vẫn ở mức 73 microgam/mét khối.

Vì vậy, giới chức các địa phương đã phải bắt tay thực hiện chương trình chuyển đổi hệ thống sưởi ấm bằng than sang hệ thống đốt khí tại các vùng nông thôn, đặc biệt ở những nơi gần thủ đô.

Chính quyền địa phương “quá nhiệt tình”

Trở thành trọng tâm trong chiến dịch giảm ô nhiễm quốc gia, cán bộ các vùng nông thôn vội vã thay tất cả hệ thống sưởi đốt than. Giáo sư Hạ Khắc Bân, Chủ nghiệm Học viện Môi trường thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết: “Kế hoạch ban đầu chỉ là chuyển từ dùng than sang dùng khí đốt ở một số khu vực trọng điểm. Nhưng chính quyền các địa phương quá nhiệt tình, làm nhu cầu dùng khí đốt tăng bất ngờ”.

Ông Lưu Đức Thuận, Trưởng Phòng quản lý dầu khí Cục năng lượng quốc gia Trung Quốc, ước tính tiêu thụ khí đốt năm 2017 sẽ đạt 240 tỉ mét khối, tăng hơn 14% so với năm 2016. Ông thừa nhận không ai nghĩ nhu cầu sử dụng lại tăng mạnh đến vậy.

Ngành khí đốt Trung Quốc không bắt kịp với nhu cầu tăng đột biến - Ảnh: SCMP

Nhu cầu cao dẫn đến giá khí đốt bị đẩy lên chóng mặt. Trang tin Năng lượng Trung Quốc cho biết giá khí đốt hóa lỏng (LNG) đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng hai tuần qua, tính từ giữa tháng 11.

Một người dân dùng khí đốt tại Trác Châu cho hay ông rất lo về giá khí đốt. Ông dự kiến phải đến hơn 6.000 nhân dân tệ tiền khí đốt trong mùa đông này, gấp đôi tiền mua than trước kia.

Jonathan Stern, một chuyên gia về khí đốt của Đại học Oxford, đánh giá ngành khí đốt của Trung Quốc chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu và cần thời gian để nước này hoàn thiện hệ thống cung cấp cũng như xây dựng nguồn dự trữ khí đốt.

Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng tầng lớp cư dân trung lưu sống ở đô thị Trung Quốc ngày càng sẵn sàng chi trả để có không khí sạch. Nhưng cái giá để làm sạch không khí lại do bộ phận dân cư dễ bị tổn thương sống ở những vùng kém phát triển hơn phải trả, theo The Guardian.

Cẩm Bình (theo The Guardian, SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/dan-trung-quoc-lanh-cong-vi-chu-truong-bo-than-de-dung-khi-dot-77390.html