Xung đột tại miền Đông Ukraine có dấu hiệu tái bùng phát, khi ngày càng xuất hiện các cuộc tấn công từ lực lượng dân quân miền Đông nhằm vào quân chính phủ.
Sau cuộc pháo kích dữ dội hôm 6/9 thì đến hôm 12/09, lực lượng dân quân thuộc Quân đội nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) đã dùng tên lửa chống tăng tấn công vào quân đội chính phủ.
Vụ tấn công đã phá hủy một chiếc xe tải của Quân đội Ukraine khiến 1 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Lực lượng dân quân miền Đông Ukraine đang sở hữu hàng trăm hệ thống tên lửa chống tăng 9K111 Fagot.
Loại tên lửa này đã được sử dụng trong xung đột tại miền Đông Ukraine ngay từ năm 2014.
Hiện không rõ nguồn cung loại vũ khí này cho lực lượng dân quân tại miền Đông Ukraine. Một số cho rằng họ đã thu được từ chính quân đội Ukraine.
Một số khác thì cho rằng lực lượng dân quân đã mua chúng trên thị trường chợ đen, bởi loại tên lửa chống tăng 9K111 Fagot này có sẵn và được nhiều nhóm phiến quân mua bán.
Một số ý kiến cho rằng rất có thể Nga đã cung cấp loại tên lửa này cho lực lượng dân quân đang đòi ly khai.
Nga lý giải rằng việc trợ giúp dân quân Ukraine là nhằm mục đích ngăn chặn Ukraine gây ra các thảm họa nhân đạo cho dân thường tại miền Đông Ukraine.
Một số nhà phân tích cho rằng, nếu lực lượng dân quân miền Đông Ukraine không có Nga hậu thuẫn, quân đội chính phủ Ukraine chỉ cần 72 tiếng để giải phóng hoàn toàn khu vực đang đòi ly khai này.
Miền Đông Ukraine tiếp giáp Nga, trong bối cảnh chính phủ Ukraine ngày càng thân phương Tây, điều này gây lo ngại đặc biệt cho Moscow.
Vì vậy có một vùng đệm (miền Đông Ukraine) thân Nga, hoặc ít nhất trung lập sẽ giúp Nga an tâm hơn về vấn đề an ninh lâu dài.
Mặt khác việc chính quyền Kiev dồn lực tấn công miền Đông có thể gây ra rắc rối cho Nga khi người dân tại khu vực xung đột sẽ tìm cách chạy sang biên giới Nga tị nạn.
Chính vì thế, việc bảo đảm khu vực miền Đông Ukraine duy trì thế cầm cự với Kiev sẽ là ưu tiên của Nga. (Hình ảnh loạt xe có trang bị vũ khí được Nga viện trợ cho dân quân miền Đông Ukraine).
Moscow đã công khai viện trợ xe hơi bọc thép nhẹ, súng máy hạng nặng, súng phóng lựu phóng loạt và một số khí tài khác cho dân quân miền Đông Ukraine vào năm 2020, tuy nhiên không rõ họ có cung cấp tên lửa chống tăng 9K111 Fagot hay không.
Tên lửa chống tăng 9K111 Fagot từng là niềm tự hào của Liên Xô trước đây, giờ lại trở thành loại vũ khí ám ảnh tại miền Đông Ukraine khi nó được sử dụng bởi cả quân chính phủ và lực lượng dân quân.
Tại chiến trường miền Đông Ukraine, tên lửa chống tăng 9K111 Fagot đã loại khỏi vòng chiến nhiều xe tăng và thiết giáp của cả hai bên.
Tên lửa 9K111 Fagot được phát triển bởi Phòng thiết kế máy Tula (Liên Xô) từ những năm 1960.
Tổ hợp tên lửa chống tăng này gồm 3 thành phần chính: đạn tên lửa 9M111 đặt trong ống phóng; giá phóng 9P135; thiết bị dẫn đường 9S451 và kính ngắm 9Sh119 (phóng đại gấp 10 lần và tầm nhìn 5 lần).
Toàn bộ tổ hợp tên lửa chống tăng 9K111 Fagot có trọng lượng chỉ 22,5kg.
Trong đó, đạn tên lửa 9M111 có trọng lượng 11,5kg, đường kính thân 120mm, lắp đầu đạn thuốc nổ lõm (hoặc đầu đạn 2 lượng nổ chuyên trị giáp ERA), tốc độ hành trình 186m/s khi ổn định, tầm bắn hiệu quả từ 70-2.500m.
Khi triển khai chiến đấu, giá phóng 3 chân 9P135 sẽ được dựng lên, tiếp đó là khối thiết bị dẫn đường 9S451 được đặt lên trên rồi mới tới ống phóng tên lửa.
Thiết bị kính ngắm quang học cho xạ thủ đặt ở bên trái. Khi bắn, một máy phát khí sẽ đẩy lên lửa ra khỏi ống phóng với tốc độ 80m/s. Sau đó, động cơ rocket nhiên liệu rắn tên lửa sẽ kích hoạt đưa nó bay tới mục tiêu.
Lệnh điều khiển tên lửa từ cần lái được truyền đến quả đạn qua dây dẫn. Thiết kế kiểu này đảm bảo tên lửa không bị tác động nhiễu của đối phương.
Xạ thủ sẽ theo dõi vị trí tên lửa qua 1 đèn hồng ngoại ở phía sau đuôi tên lửa. Hệ dẫn đường này được đánh giá là có độ chính xác lên đến 90%. Hiện nay tên lửa 9K111 Fagot đang được sửa dụng phổ biến tại chiến trường Đông Ukraine và Syria.
Việt Hùng