Đam mê trồng rau thủy canh

Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong nông nghiệp, cũng chưa được qua lớp tập huấn nào, chỉ tham khảo tài liệu mà anh Hoàng mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ cao và bước đầu đạt hiệu quả.

Anh Hoàng trao đổi về cách trồng rau thủy canh với Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông.

Anh Hoàng trao đổi về cách trồng rau thủy canh với Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông.

Bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông, huyện Gò Dầu đưa chúng tôi đến tổ 4, ấp Phước Đức A, thăm Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An.

Ấn tượng đầu tiên khi mới đến trước cổng HTX này là một sạp bán rau bên lề đường với biển lớn ghi “Rau sạch - thủy canh - 10k/bó: xà lách, cải dúng, cải thìa, cải ngọt, mồng tơi”. Gần cuối buổi chiều, nên trên sạp còn ít rau. Bên trong khuôn viên HTX, nhà màng, nhà xưởng khá rộng, nhưng chỉ có 3 người vừa thu hoạch rau, vừa gieo hạt giống mới.

Anh Huỳnh Huy Hoàng (sinh năm 1981)- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Thể dục - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, anh dạy học được một thời gian ngắn rồi nghỉ.

Sau đó, anh làm nhiều nghề khác nhau. Cách đây khoảng 10 năm, anh về quê đầu tư làm hồ bơi và dạy bơi cho trẻ em vùng nông thôn. Học chuyên ngành thể dục thể thao, nhưng anh lại thích làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, thực hiện giãn cách xã hội, hồ bơi không hoạt động, anh ở nhà lên mạng internet nghiên cứu tìm hiểu về cách trồng rau thủy canh.

Sau khi biết cơ bản về kỹ thuật canh tác, anh bắt đầu thực hành. Lúc đầu anh làm một khung giàn sắt nhỏ (chừng 2m2), cùng các trang thiết bị theo hướng dẫn và đi mua hạt giống cải bẹ xanh, cải xà lách về gieo trồng.

Bước đầu trồng thí điểm đã thành công, sau hơn một tháng gieo hạt, anh Hoàng thu hoạch rau. Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, phải thực hiện giãn cách xã hội, mà có rau xanh, rau sạch thì tốt quá.

Thấy trồng rau thủy canh cũng dễ, địa phương có khu công nghiệp lớn (Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời) dân nhập cư nhiều, có nhu cầu về rau xanh, nhất là rau sạch. Để có rau sạch cung cấp cho người tiêu dùng, đầu năm 2022, anh Hoàng mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh với quy mô lớn.

Nhà có đất vườn khá rộng, anh thuê thợ làm nhà màng, nhà xưởng với diện tích mặt đất 1.000m2 và đầu tư các trang thiết bị bên trong bảo đảm cho việc trồng rau thủy canh, như khung giàn sắt hình chữ A và khung giàn sắt ngang, hệ thống tưới tự động, rọ nhựa, giá thể… và các vật dụng khác, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 700 triệu đồng.

Các loại rau anh trồng gồm: cải bẹ xanh, bẹ dúng, xà lách, cải thìa, cải ngọt, mồng tơi… Tùy theo loại rau, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch khoảng từ 35 đến 40 ngày (riêng cải xà lách từ 40 đến 45 ngày). Hiện nay mỗi ngày cơ sở trồng rau thủy canh của anh Hoàng cung cấp ra thị trường khoảng 50kg rau các loại.

Tùy theo loại rau, giá bán 25.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Số lượng rau thủy canh của anh Hoàng chưa nhiều nên chỉ bán lẻ ở các sạp do gia đình anh lập ra và bỏ mối cho các tiệm tạp hóa địa phương.

Anh Hoàng chăm sóc rau thủy canh.

Anh Hoàng chăm sóc rau thủy canh.

Điểm khác biệt dễ nhận biết giữa rau thủy canh và rau trồng dưới đất (rau trồng truyền thống) là dưới gốc rau thủy canh còn nguyên bộ rễ bám vào miếng giá thể (miếng mút xốp vuông nhỏ).

Theo anh Hoàng, trồng rau thủy canh không cần diện tích mặt đất rộng như cách trồng truyền thống (vì trồng nhiều tầng trên giá khung sắt hình chữ A), do không phải làm đất, không tưới trực tiếp, ít tốn công lao động.

Tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu lớn và phải có kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật. Anh chưa được tập huấn về kỹ thuật trồng rau sạch. Do đó, để người trồng rau thủy canh có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cần có sự hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của các ngành chức năng.

Để mở rộng diện tích gieo trồng, tăng sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và kinh doanh, anh Huỳnh Huy Hoàng mời một số người tham gia và đăng ký thành lập HTX.

Vào tháng 6.2022, HTX được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận đăng ký, với tên đầy đủ: Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Phước Hoàng An. HTX có 7 xã viên, do anh Huỳnh Huy Hoàng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Anh Hoàng đang đầu tư xây dựng hai nhà màng trồng rau thủy canh trên diện tích mặt đất 2.000m2.

Bà Tô Cẩm Dung- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Đông cho biết, mô hình rau thủy canh của anh Hoàng là mô hình mới ở địa phương. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm trong nông nghiệp, cũng chưa được qua lớp tập huấn nào, chỉ tham khảo tài liệu mà anh Hoàng mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh công nghệ cao và bước đầu đạt hiệu quả. Các cấp Hội Nông dân luôn khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp.

D.H

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/dam-me-trong-rau-thuy-canh-a158107.html