Đảm bảo môi trường các cơ sở chế biến gỗ keo dọc sông Ba Chẽ

Theo thống kê của huyện Ba Chẽ, hiện trên địa bàn có 6 điểm tập kết và sản xuất gỗ keo hoạt động ven sông. Hệ thống thu gom xử lý nước thải của các điểm tập này được Sở KHCN công nhận đạt tiêu chuẩn môi trường. Song theo phản ánh của một số người dân vào lúc cao điểm các cơ sở chế biến thường tập kết nhiều gỗ keo khi gặp trời mưa nước trôi tràn trên bề mặt xuống sông dễ gây ô nhiễm môi trường, nếu không xử lý triệt để sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông Ba Chẽ.

Điểm thu gom và chế biến cây keo của hộ anh Nguyễn Văn Mẫn (xã Nam Sơn).

"Mục sở thị" điểm sản xuất gỗ keo của hộ anh Nguyễn Văn Mẫn tại xã Nam Sơn, chúng tôi thấy hệ thống máy móc bốc xúc gỗ keo xuống sà lan đang hoạt động. Một lượng lớn gỗ keo được tập kết tại đây, chia thành nhiều loại để cho nhân công dễ lựa chọn và theo mẫu của đơn vị mua hàng. Để nước thải từ sản xuất gỗ keo không trôi xuống sông, hộ anh Mẫn đã xây bể xử lý khép kín, gồm bể chứa, bể lọc, sau đó mới thải ra môi trường.

Anh Mẫn cho biết: Để đảm bảo môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, khi làm nhà xưởng gia đình tôi xây dựng các bể chứa nước thải theo đúng hướng dẫn của Sở KHCN. Trong quá trình bốc xúc hàng hóa xuống tàu, sà lan để vận chuyển cho khách hàng, chúng tôi yêu cầu không được để gỗ dăm keo rơi xuống sông, nếu rơi phải vớt ngay để tránh ô nhiễm nguồn nước sông Ba Chẽ.

Để đảm bảo việc hoạt động kinh doanh của các hộ dân, doanh nghiệp tập kết và sản xuất gỗ dăm keo an toàn và giữ gìn vệ sinh môi trường không làm ảnh hưởng đến các loài thủy hải sản sống trên sông, huyện thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định đề ra. Theo đó cơ sở sản xuất phải đảm bảo các quy định về môi trường của Sở KHCN, cơ quan quản lý kiên quyết dừng hoạt động đối với những địa điểm không tuân thủ về công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Ba Chẽ hiện là một trong những địa phương có nguồn cung cấp cây keo để là gỗ dăm nhiều nhất tỉnh, nên đảm bảo môi trường trong hoạt động khai thác và sản xuất luôn được quan tâm. Các hộ gia đình, doanh nghiệp kinh doanh, khai thác, chế biến gỗ dăm đều phải ký cam kết đảm bảo phương tiện vận chuyển an toàn, không vi phạm các quy định về ATGT, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Người dân tiến hành bóc vỏ keo trước khi mang đi tiêu thụ.

Ông Hoàng Hữu Thọ, cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng, huyện Ba Chẽ, cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra các điểm tập kết và sản xuất gỗ dăm keo nằm bên bờ sông để tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến môi trường ở đây. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt mọi quy định. Nhiều năm qua chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.

Việc đảm bảo môi trường để giữ gìn sự trong sạch của sông Ba Chẽ là điều cần thiết vì trong quá trình sản xuất gỗ nước sẽ chảy xuống sông sẽ gây ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái nơi đây. Mong rằng với những nỗ lực đó, Ba Chẽ sẽ không để tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ sự quản lý chặt chẽ của mình.

Duy Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202011/dam-bao-moi-truong-cac-co-so-che-bien-go-keo-doc-song-ba-che-2508403/