Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau bão số 3
Cơn bão số 3 đã gây ngập lụt, sạt lở đất ảnh hưởng đến tính mạng của người dân trên địa bàn tỉnh. Sau bão, nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Ngành Y tế tỉnh đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Cơn bão số 3 đã gây ngập lụt, sạt lở đất ảnh hưởng đến tính mạng của người dân trên địa bàn tỉnh. Sau bão, nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Ngành Y tế tỉnh đã và đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Huyện vùng cao Đà Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Đặc biệt, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, sạt lở đất đã khiến 4 người chết, 1 người bị thương trong một gia đình. Đồng chí Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đà Bắc kể: Ngay khi nhận được thông tin, tôi đã cùng 1 cán bộ đến hiện trường hỗ trợ bệnh nhân duy nhất còn sống. Tuy nhiên, do đường bị sạt lở, chia cắt không thể tiếp cận được ngay. Bước đầu, cán bộ y tế thôn bản đã sơ cứu cho người bị thương. Sau hơn 2h, chúng tôi mới đến nơi. Qua khám ban đầu, ông Xa Văn Sộm, sinh năm 1973 bị thương vẫn tỉnh táo nhưng bị tổn thương vùng đầu, ngực, chân, chúng tôi chỉ định đưa bệnh nhân về TTYT huyện để có phương án điều trị phù hợp. Đến chiều 8/9, bệnh nhân đã được điều trị ổn định và chuyển về y tế cơ sở chăm sóc.
Để chủ động phòng, chống lũ bão, từ đầu năm 2024, TTYT huyện Đà Bắc đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn của ngành Y tế trên địa bàn huyện; kiện toàn đội đáp ứng nhanh; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị. Ứng phó với bão số 3, TTYT huyện đã kiện toàn 4 tổ cấp cứu ngoại viện gồm 14 người.
Trong 2 ngày 5 - 6/9, Sở Y tế đã ban hành 2 văn bản khẩn thực hiện chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh về ứng phó bão số 3 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB). Theo đó, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra, có phương án bảo vệ cơ sở vật chất tại các cơ sở KCB, đặc biệt là các trạm và điểm trạm. Gia cố mái nhà, tường nhà, tường bao có nguy cơ tốc, đổ; khơi thông cống, rãnh thoát nước, có phương án đào thêm các rãnh thoát nước bổ sung. Những khu vực có nguy cơ úng, ngập cần có phương án be bờ ngăn nước bằng các vật dụng như bao cát, máy bơm hút nước.
Sở Y tế cũng chỉ đạo rà soát, kiểm tra, có phương án bảo vệ tài sản, thiết bị, thuốc, vật tư y tế… để kịp thời di chuyển lên chỗ cao, khô ráo, tránh ngập lụt. Đặc biệt, chỉ đạo các trạm y tế vùng trũng, vùng sâu có biện pháp ứng phó với nguy cơ ngập úng, sạt lở tại trạm. Giao cụ thể cán bộ trông giữ tài sản, thiết bị, thuốc, vật tư y tế khi di chuyển. Yêu cầu giám đốc, trưởng các khoa, phòng của đơn vị không rời địa phương, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tham gia xử lý hậu quả. Sẵn sàng huy động cán bộ tại đơn vị cùng ứng phó, khắc phục hậu quả. Các đơn vị ban hành quyết định bổ sung thêm đội cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng huy động khi đơn vị và Sở Y tế cần để hỗ trợ cấp cứu thảm họa tại các địa phương khác. Có phương án sẵn sàng giường bệnh, thuốc, vật tư, hóa chất để dự phòng cho các trường hợp phải cấp cứu, thu dung lượng bệnh nhân lớn khi xảy ra thảm họa...
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, TTYT 10/10 huyện, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập các đội cấp cứu, vệ sinh phòng dịch, xử lý môi trường của đơn vị. Các địa phương cũng thường xuyên thông tin tình hình ảnh hưởng mưa lũ về đường dây nóng Sở Y tế để kịp thời nắm và giải quyết các tình huống cấp bách. Đến nay, qua thông tin ban đầu, một số điểm trạm y tế bị thiệt hại như đổ tường bao, hỏng mái... Các cơ sở y tế đang huy động nhân lực tại chỗ khắc phục, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất duy trì công tác KCB.
Vấn đề đặt ra là sau bão, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người dân. Sau mưa bão, dịch bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên và có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, lỵ, đau mắt đỏ, các bệnh về da… ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đồng chí Xa Quốc Văn, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tỉnh cho biết: CDC tỉnh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã ban hành văn bản đề nghị TTYT và Ban chỉ đạo An oàn thực phẩm các huyện, thành phố khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa bão. Chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng ứng phó với ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt ưu tiên bà mẹ mang thai, cho con bú, trẻ em, người già... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; ăn chín, uống chín, uống đủ nước; dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, vitamin, thuốc và hóa chất sát khuẩn, đảm bảo có nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động vật, thực vật độc, lạ như: nấm độc, cóc, cá nóc, côn trùng lạ, ốc lạ, cây và quả lạ… Tập trung tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, tăng cường tuyên truyền bằng tiếng dân tộc phù hợp từng địa phương.
Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, người dân cần tự nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong mùa mưa bão.