Đắk Lắk nâng cao chất lượng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Giai đoạn 2019 - 2020, địa phương đã tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu…
Theo Ban điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, có thể khẳng định, xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành công, thay đổi nhận thức, bộ mặt khu vực nông thôn. nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn họ hăng say, nhiệt huyết tham gia đóng góp sức người, sức của để xây dựng quê hương.
Đắk Lắk đề ra đến cuối năm 2020 có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới còn lại đạt tối thiểu 10/20 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (50%), trong đó có 1 trong 2 tiêu chí: thu nhập và hộ nghèo.
Theo Quyết định số 2117/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk (tháng 8/2019) về “Triển khai xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 - 2020” nêu rõ quan điểm: Xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển nông thôn bền vững. Vì vậy, các xã sau khi đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hoàn thiện sớm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu đó, các đơn vị triển khai chương trình nông thôn mới tại địa phương đã triển khai những nhiệm vụ. Như đối với hạ tầng kinh tế - xã hội, tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của xã gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch... của địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng, phát triển hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả. Thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực; có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn, hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và tổ chức lại sản xuất.
Cùng với đó, với các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm, tiếp tục nâng cao trình độ dân trí của người dân, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và mức hưởng thụ các dịch vụ y tế ban đầu cho người dân được bảo đảm. Xây dựng mô hình hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng thu hút người dân tham gia.
Quan tâm triển khai xây dựng cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch, không rác thải, giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương trên địa bàn toàn xã. Bảo đảm cho toàn bộ người dân trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch. Thực hiện thu gom triệt để và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã. Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường thu hút cộng đồng tham gia, hoạt động thường xuyên, hiệu quả…
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Đắk Lắk tiếp tục xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược, nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể. Đến năm 2025 sẽ có 60% số xã (91 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 10 tiêu chí…