Đắk Lắk: Ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve, 6 người nhập viện cấp cứu

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho 6 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu.

6 bệnh nhân đều trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Trong đó có 5 người lớn và một trẻ em. Theo hồ sơ bệnh án, trưa ngày 3/6, các bệnh nhân này được người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu. Sau khi thăm khám, 5 bệnh nhân lớn tuổi được đưa vào cấp cứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, còn 1 bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi và Nhi sơ sinh.

Nấm mọc từ xác ve sầu có hình dạng giống với đông trùng hạ thảo nên dễ gây nhầm lẫn

Theo lời kể của một bệnh nhân, mấy ngày qua, tại địa phương có nhiều người lầm tưởng một loại nấm mọc từ xác nhộng ve sầu là đông trùng hạ thảo nên đua nhau đi đào và rao bán với giá 70.000/kg. Thấy vậy, người thân trong gia đình anh cũng đi đào được hơn mười cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho mọi người ăn. Sau khi ăn chừng 2 tiếng thì anh cùng 2 người trong gia đình có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng nên được người nhà đưa đi cấp cứu tại TTYT huyện Ea Súp và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thiên Phúc – Bác sĩ điều trị Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, ăn ve sầu có thể gặp 2 nhóm ngộ độc: Nhóm về ký sinh trùng trên cơ thể con ve sầu có thể nhiễm vi khuẩn hay các loại nấm độc, gây ngộ độc nặng nề, tấn công toàn thân nổi mẩn ngứa, mạch nhanh, có thể gây trụy mạch, thần kinh rối loạn, lơ mơ, kích thích, vật vã. Nhóm thứ 2 là con ve ở vùng đất có những cây thầu dầu, cỏ lào, nhựa của các loại cây độc, bám trên mình con ve sầu và không bị phân tán ở nhiệt độ thông thường có thể gây ngộ độc.

Các bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thiên Phúc, hiện chưa xác định được cụ thể từng loại nấm mà các bệnh nhân đã ăn, do đó việc điều trị phải dựa vào các triệu chứng. Để phòng, chống ngộ độc từ nấm và đặc biệt là nấm mọc từ ấu trùng ve sầu người dân không nên tự ý ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc, các loại nấm có màu sắc sặc sỡ./.

Nam Trang/VOV-Nam Trang

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dak-lak-an-nam-moc-tu-xac-au-trung-ve-6-nguoi-nhap-vien-cap-cuu-post1024303.vov